Đề xuất quy định mới về đầu tư theo hình thức PPP
(Tài chính) Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo nhằm thay thế Nghị định 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO) và Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT); Nghị định số 24/2011/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 108/2009/NĐ-CP và bãi bỏ Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg ngày 9/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Nghị định số 108/2009/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông, nhà máy điện, nước và một số công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội khác.
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 108/2009/NĐ-CP trong thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế cơ bản như: Các quy định về xây dựng, công bố Danh mục dự án và lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Một số Bộ, ngành và địa phương không xây dựng và công bố Danh mục dự án theo quy định mà để cho nhà đầu tư tự đề xuất và trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư với lý do “đáp ứng nhu cầu cấp bách về việc sử dụng công trình kết cấu hạ tầng”.
Thêm vào đó, các quy định về lập dự án và cơ chế tài chính, huy động vốn đầu tư thực hiện dự án còn thiếu rõ ràng và chưa thật sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Quy trình, thủ tục phê duyệt dự án, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án và công tác quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo Hợp đồng BOT, BTO và BT còn tồn tại một số vấn đề chưa thật sự phù hợp với điều kiện thực hiện các hình thức hợp đồng dự án khác nhau.
Nhiều điểm mới
Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư bao gồm 11 Chương với 84 Điều. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất một số điểm mới như: Về phạm vi điều chỉnh, bổ sung quy định về quản lý và sử dụng Phần tham gia của nhà nước trong các dự án PPP. Theo đó, việc lập, phê duyệt và giải ngân phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP được thiết kế trên cơ sở các nguyên tắc, quy định hiện hành về quản lý nguồn vốn nhà nước chi cho đầu tư phát triển cũng như quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Dự thảo Nghị định đã thiết kế cơ chế đặc thù trong việc quản lý và sử dụng Phần tham gia của Nhà nước để phù hợp với mục đích, bản chất của các dự án đầu tư có sự tham gia của nhà nước và tư nhân theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng đề xuất bổ sung một số lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP (như hạ tầng giao thông đô thị; đường sắt; hạ tầng cảng dịch vụ hậu cần, cảng cạn; công trình thủy lợi; cơ sở sản xuất năng lượng; hạ tầng thông tin, truyền thông, viễn thông; hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khu công nghệ thông tin; hạ tầng nông nghiệp nông thôn; chợ đầu mối, hạ tầng thương mại; nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nghĩa trang; các hoạt động cung cấp dịch vụ công; lĩnh vực xã hội hóa, đảm bảo an sinh xã hội...).
Ngoài phần vốn thuộc trách nhiệm huy động của nhà đầu tư, dự thảo Nghị định bổ sung nội dung mới quy định về phần tham gia của nhà nước để hỗ trợ thực hiện dự án. Các quy định này về cơ bản được thiết kế trên cơ sở các nguyên tắc về lập kế hoạch, quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước, đồng thời có tính đến quy định tương ứng của Dự thảo Luật Đầu tư công.