Đề xuất sửa đổi quy định về thuê bảo quản để phù hợp với pháp luật về đấu thầu

Văn Trường

Để tạo điều kiện thuận lợi thu hút tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia (DTQG), Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 172/2013/TT-BTC quy định về thuê bảo quản hàng DTQG.

Những bất cập về thuê bảo quản hàng DTQG

Thuê bảo quản hàng DTQG là việc các bộ, ngành được phân công quản lý hàng DTQG thuê các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện bảo quản hàng DTQG.

Để quản lý việc thuê bảo quản hàng DTQG theo đúng quy định, ngày 20/11/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 172/2013/TT-BTC quy định về thuê bảo quản hàng DTQG nhằm hướng dẫn, quy định cụ thể, các nội dung về thực hiện thuê bảo quản hàng DTQG giữa các bộ, ngành được Chính phủ phân công quản lý hàng DTQG với các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện thuê bảo quản, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường tính minh bạch của pháp luật về DTQG.

Dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung việc xác định nguồn vốn, dự toán thuê bảo quản đối với gói thầu có thời gian thực hiện bảo quản dài hơn 01 năm theo quy định của Luật Đấu thầu.
Dự thảo Thông tư đề xuất sửa đổi, bổ sung việc xác định nguồn vốn, dự toán thuê bảo quản đối với gói thầu có thời gian thực hiện bảo quản dài hơn 01 năm theo quy định của Luật Đấu thầu.

Theo đánh giá của đại diện Vụ Kế hoạch (Tổng cục DTNN), sau hơn 10 năm thực hiện Thông tư số 172/2013/TT-BTC, đến nay đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, như: Một số căn cứ pháp lý không còn phù hợp khi cơ chế, chính sách từ năm 2013 đến nay có sửa đổi, thay thế (Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20/4/2023 thay thế Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ; bổ sung các nghị định của Chính phủ số 128/2015/NĐ-CP ngày 15/12/2015 và Nghị định số 56/2021/NĐ-CP ngày 31/5/2021).

Đặc biệt, ngày 26/3/2023, Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu mới số 22/2023/QH15 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2024; Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định “bảo quản hàng DTQG” thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Một số nội dung không còn phù hợp, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu mới ban hành như: Hợp đồng thuê bảo quản và thời gian thực hiện hợp đồng; bổ sung việc xác định nguồn vốn, dự toán thuê bảo quản đối với gói thầu có thời gian thực hiện bảo quản dài hơn 01 năm theo quy định của Luật Đấu thầu mới và phù hợp với thực tế thực hiện việc thuê bảo quản hàng DTQG...

Tổng cục DTNN cho rằng, việc sửa đổi, thay thế Thông tư số 172/2013/TT-BTC là cần thiết để khắc phục tồn tại, bất cập  trên, đồng thời sửa đổi các quy định về hoạt động thuê bảo quản phù hợp với quy định mới của pháp luật về đấu thầu; giúp các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ bảo quản hàng DTQG theo đúng quy định của pháp luật về DTQG, về ngân sách nhà nước, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ nhận thuê bảo quản hàng DTQG, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu DTQG và nhiệm vụ chính trị được giao. 

Đề xuất quy định mới về thuê bảo quản hàng DTQG

Theo dự thảo Thông tư, Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG quyết định lựa chọn số lượng tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện thuê bảo quản hàng DTQG theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật DTQG và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với mỗi gói thầu thuê bảo quản hàng DTQG phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt; trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo, trong phạm vi kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm được lập hàng năm.

Việc thanh thoán theo từng năm được thực hiện sau khi dự toán năm được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm để thuê bảo quản cho các năm tiếp theo nhằm bảo đảm việc cung ứng dịch vụ bảo quản hàng DTQG không bị gián đoạn.

Tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng DTQG phải có địa điểm kho chứa hàng DTQG theo các vùng chiến lược.
Tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng DTQG phải có địa điểm kho chứa hàng DTQG theo các vùng chiến lược.

Bên cạnh quy định trên, dự thảo Thông tư quy định, tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng DTQG ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện đã được quy định tại Điều 53 Luật DTQG còn phải đáp ứng được các tiêu chí sau:

- Có địa điểm kho chứa hàng DTQG phù hợp với quy hoạch kho chứa hàng DTQG theo các vùng chiến lược; đồng thời, phải thuận tiện cho công tác bảo quản, nhập, xuất, xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.

- Có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện công tác luân phiên đổi hàng DTQG theo quyết định của thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG.

- Có đủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp, cần thiết phục vụ cho công tác nhập, xuất, bảo quản, an ninh, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và mọi sự xâm hại khác; phù hợp với tính chất lý, hóa của từng loại hàng; phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền và yêu cầu khác của công tác bảo quản.

- Có công nghệ bảo quản phù hợp; có tỷ lệ hao hụt trong bảo quản thấp và không vượt quá định mức hao hụt theo quy định của pháp luật; đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả trong thuê bảo quản hàng DTQG.

Về kinh phí thuê bảo quản hàng DTQG, tại dự thảo Thông tư quy định: Kinh phí thuê bảo quản hàng DTQG từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động quản lý DTQG của các bộ, ngành; được lập trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm và được giao hàng năm cho các bộ, ngành theo quy định của pháp luật.

Kinh phí thuê bảo quản hàng DTQG phải được quản lý chặt chẽ theo kế hoạch, dự toán, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, hợp đồng thuê bảo quản hoặc theo chế độ khoán; sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả và phải được hạch toán kế toán theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành.

Nguyên tắc chi, nội dung chi, mức chi, cấp kinh phí, hồ sơ cấp kinh phí thuê bảo quản hàng DTQG và khoán chi phí thuê bảo quản hàng DTQG thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn về kế hoạch DTQG và ngân sách nhà nước chi cho DTQG.

 

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 172/2013/TT-BTC quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành ký hợp đồng thuê bảo quản hàng DTQG. Theo đó, các bộ, ngành kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng thuê bảo quản hàng DTQG về số lượng, chất lượng, kho chứa hàng; công tác bảo vệ, bảo quản hàng DTQG; việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật; việc thực hiện nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG; luân phiên đổi hàng DTQG...