Đến năm 2030, ADB sẽ hỗ trợ cho an ninh lương thực đạt khoảng 40 tỷ USD

Tiến Dũng

Thông tin từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam ngày 5/5 cho biết, ADB đã công bố kế hoạch mở rộng hỗ trợ cho an ninh lương thực và dinh dưỡng dài hạn ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương thêm 26 tỷ USD, nâng tổng số tiền tài trợ cho các sáng kiến an ninh lương thực lên 40 tỷ USD trong giai đoạn 2022–2030.

Hiện đại hoá cơ giới hoá trong canh tác nông nghiệp là một trong những giải pháp đảm bảo chiến lược an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian qua.
Hiện đại hoá cơ giới hoá trong canh tác nông nghiệp là một trong những giải pháp đảm bảo chiến lược an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian qua.

Khoản hỗ trợ này sẽ tài trợ cho một chương trình toàn diện bao gồm toàn bộ quá trình sản xuất lương thực – từ canh tác, chế biến đến phân phối và tiêu thụ. Thông qua tài trợ và hỗ trợ chính sách cho các chính phủ, công ty, chương trình này nhằm mục đích giúp châu Á và Thái Bình Dương tạo ra lương thực đa dạng và bổ dưỡng, tạo việc làm, giảm tác động đến môi trường và thúc đẩy chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững.

“Hạn hán, lũ lụt, nắng nóng khắc nghiệt và tài nguyên thiên nhiên suy thoái chưa từng có đang làm suy yếu sản xuất nông nghiệp, đồng thời đe dọa an ninh lương thực và sinh kế ở nông thôn” - Chủ tịch ADB Masato Kanda phát biểu tại Hội nghị Thường niên lần thứ 58 của ADB tại Milan – Ý ngày 4/5.

Cũng theo ADB, sự hỗ trợ mở rộng này sẽ giúp các quốc gia xóa đói giảm nghèo, cải thiện chế độ dinh dưỡng và bảo vệ môi trường tự nhiên; tạo cơ hội cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp; đồng thời, thúc đẩy sự thay đổi trên toàn bộ chuỗi giá trị lương thực, từ cách thức trồng trọt, chế biến đến cách thức phân phối và tiêu thụ lương thực.

Trước đó, vào tháng 9/2022, ADB đã cam kết đầu tư 14 tỷ USD vào năm 2025 để cải thiện an ninh lương thực và giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực trong khu vực. Đến cuối năm 2024, ADB cam kết 11 tỷ USD - khoảng 80% phân bổ ban đầu — và thêm 3,3 tỷ USD đầu tư được lên kế hoạch cho năm 2025.

 

ADB đang thành lập Quỹ Vốn tự nhiên - một phương tiện tài chính hỗn hợp trị giá 150 triệu USD theo kế hoạch - với sự hỗ trợ chính từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và các khoản đóng góp dự kiến từ các đối tác khác, bao gồm Chương trình Nông nghiệp và An ninh Lương thực Toàn cầu. Quỹ này sẽ hỗ trợ các dự án hệ thống nông - lương thực của nông dân và các nhà đổi mới sáng tạo nhằm bảo vệ, phục hồi và quản lý vốn thiên nhiên một cách bền vững tại các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB.

Như vậy, khoản tài trợ bổ sung 26 tỷ USD được công bố ngày 4/5 bao gồm 18,5 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp của ADB cho các chính phủ và 7,5 tỷ USD đầu tư cho khu vực tư nhân. Đến năm 2030, ADB đặt mục tiêu các khoản đầu tư của khu vực tư nhân sẽ chiếm hơn 27% trong tổng số 40 tỷ USD của chương trình - nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống lương thực.       

ADB nhấn mạnh, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi các hệ thống lương thực, chương trình sẽ hiện đại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Chương trình cũng sẽ đầu tư vào việc cải thiện chất lượng đất và bảo tồn đa dạng sinh học - những yếu tố thiết yếu cho nền nông nghiệp năng suất đang ngày càng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đất đai, hệ sinh thái dưới nước. Chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ kỹ thuật số và phân tích để cải thiện quá trình ra quyết định cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.