TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, năng động trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước

Quang Hà - Đức Mỹ (ghi)

“Khi thể chế không tương thích với quy mô kinh tế của các đô thị lớn, TP. Hồ Chí Minh đã lập đề án, đề nghị Bộ Chính trị, Quốc Hội ban hành Nghị quyết 54 về cơ chế chính sách đặc thù, từ đó nhân rộng sang nhiều địa phương khác. Gần đây nhất là Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Như vậy cho thấy, hoạt động của TP. Hồ Chí Minh lúc nào cũng tiên phong, đi đầu trong việc thí điểm giúp cho đất nước hoàn thiện được thể chế…”. Đó là những chia sẻ của Nhà giáo ưu tú, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân về hành trình đổi mới phát triển, tiên phong vượt lên chính mình của thành phố mang tên Bác, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Chặng đường 50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu của cả nước về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục... và cũng là địa phương có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước
Chặng đường 50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu của cả nước về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục... và cũng là địa phương có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách Nhà nước

Vượt lên từ gian khó

Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tình hình xã hội cũng như kinh tế không chỉ chịu những tác động, khó khăn đến từ bên ngoài, mà trong nội tại của đất nước cũng còn lúng túng trong quản lý kinh tế. TP. Hồ Chí Minh lúc bấy giờ có khoảng 3,5 triệu dân nên an ninh lương thực là vấn đề mà lãnh đạo Thành phố rất trăn trở, rất sợ người dân bị thiếu ăn. Các nhà máy như nhà máy dệt Phong Phú, Thành Công, Việt Thắng và các nhà máy thuốc lá, bột giặt… hầu hết đều lâm vào cảnh thiếu nguyên vật liệu phải đóng cửa, hoạt động cầm chừng.

Chặng đường 50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: Nguyễn Công Thử
Chặng đường 50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước. Ảnh: Nguyễn Công Thử

Đứng trước tình thế khó khăn mọi bề, nhưng rất may cho TP. Hồ Chí Minh là có những vị lãnh đạo vì dân, vì nước, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm để vượt qua những rào chắn của thể chế lúc bấy giờ, vì lợi ích chung, lo cho dân, sợ dân đói.

“Người ta nói những vượt rào đó, những đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm đó của Thành phố là đêm trước của quá trình đổi mới năm 1986. Trải qua nhiều bước thăng trầm nhưng TP. Hồ Chí Minh đã làm được việc đó, giúp cho nền kinh tế và đời sống người dân được cải thiện, tạo tiền đề để Đảng ta đưa đất nước bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nền kinh tế chỉ có thành phần kinh tế Nhà nước sang nền kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích thành phần tư nhân, cá thể. Đấy là những đóng góp mà tôi nghĩ là rất năng động, rất sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh”, ông Trần Hoàng Ngân nhận định.

Khi các thành phần kinh tế bắt đầu phát triển thì phải có hoạt động về tài chính nên ở TP. Hồ Chí Minh đã ra đời các hợp tác xã tín dụng, các ngân hàng thương mại cổ phần ở thời điểm năm 1987… Nhờ hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần ra đời đã giúp cho đất nước thể chế hóa bằng Pháp lệnh về Ngân hàng năm 1990. Và cũng từ các hoạt động của các công ty TNHH, công ty CP, doanh nghiệp tư nhân… đã góp phần giúp Quốc Hội ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, Luật Công ty năm 1990… Đó là những đóng góp lớn của Thành phố, từng bước hoàn thiện thể chế của đất nước.

TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đó là tiền đề để hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào năm 2000.

Khi Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài thì lúc đó Thành phố cũng tiên phong hình thành nên các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) để thu hút đầu tư nước ngoài như việc ra đời KCX Tân Thuận năm 1991, tiếp sau đó là KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2 và từ đó Chính Phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn trên cả nước để hình thành nên các KCN TP. Hồ Chí Minh với tư duy về đổi mới sáng tạo cũng như đi đầu trong việc hình thành Công viên phần mềm Quang Trung, khu công nghệ cao.

 
PGS. TS Trần Hoàng Ngân
PGS. TS Trần Hoàng Ngân

“Trong tổng vốn đầu tư xã hội thì đầu tư từ khu vực dân doanh chiếm trên 55%. Do đó, phải có gói giải pháp đồng bộ để huy động vốn, đầu tư từ khu vực dân doanh như: giảm tiền thuê đất, phí, thuế, bảo lãnh tín dụng, lãi suất tín dụng thấp ở mức hợp lý, tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính…”  

Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị đi đầu về chỉnh trang đô thị khi đã giải tỏa nhiều khu vực nhà ở lụp xụp trên kênh rạch như kênh Thị Nghè, Tàu Hủ, Tân Hóa…

Nói về đột phá, TP. Hồ Chí Minh rất tự hào với chặng đường 50 năm qua, luôn là đầu tàu của cả nước, là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục của cả nước, đặc biệt là địa phương trong nhiều năm trước qua có mức đóng góp lớn nhất cho ngân sách Trung ương.

Hướng tới đô thị xanh, thông minh

Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, trong cơ cấu GRDP của TP. Hồ Chí Minh thì thương mại dịch vụ chiếm trên 65%, xây dựng, công nghiệp chiếm khoảng 20%, còn lại là các mảng khác. Thương mại dịch vụ của Thành phố có điều kiện phát triển ổn định và ít bị tác động, trừ thời điểm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bởi lẽ, đây là trung tâm bán buôn, bán lẻ không chỉ phục vụ cho 10 triệu dân Thành phố mà còn cho cả 20 triệu dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 20 triệu dân khu vực Đông Nam Bộ nên thương mại dịch vụ, ăn uống, lưu trú… tạo nên sự ổn định, chiếm tới 18% trong cơ cấu thương mại dịch vụ.

Dịch vụ vận tải, logistics, tài chính ngân hàng, phục vụ cho vùng và cả nước cũng đóng góp vào GRDP của TP. Hồ Chí Minh trên 10%. Đây cũng là trung tâm đào tạo của cả nước (đóng góp GRDP 5%), là trung tâm chăm sóc sức khỏe của vùng và cả các nước Lào, Campuchia…

Hướng tới năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị xanh, thông minh, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính có vị trí nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Công Thử
Hướng tới năm 2030, TP. Hồ Chí Minh sẽ trở thành đô thị xanh, thông minh, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính có vị trí nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Nguyễn Công Thử

TP. Hồ Chí Minh hiện đang giảm công nghiệp thâm dụng lao động và tái cơ cấu theo chiều sâu, ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao để hướng tới mục tiêu năm 2030 trở thành đô thị xanh, thông minh, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính có vị trí nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; phấn đấu đến năm 2045 phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới và trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã tiên phong thành lập trung tâm chuyển đổi số, trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, và cũng hình thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh các doanh nghiệp, cá nhân có stapup. Sắp tới, khi trung tâm tài chính quốc tế được thành lập sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật, giúp TP. Hồ Chí Minh có thêm động lực tăng trưởng, phát triển mạnh trong giai đoạn mới.

“Rất là hạnh phúc khi Thành phố này vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, nên tư tưởng lan tỏa, sống và làm việc theo tấm gương của Người cũng lan tỏa… Những tiền đề ấy đã tạo cho TP. Hồ Chí Minh có điều kiện để thực hiện đổi mới sáng tạo, năng động, dám nghĩ, dám làm”, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân bày tỏ niềm tự hào.