Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác dự trữ quốc gia

Quang Hùng

Cục Dự trữ Nhà nước thường xuyên đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực I. Ảnh: Q. Hùng
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực I. Ảnh: Q. Hùng

Xây dựng môi trường thân thiện, hiện đại

Thời gian qua, Cục Dự trữ Nhà nước đã xây dựng nhiều văn bản, đề án nội ngành nhằm thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động dự trữ quốc gia như xây dựng tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia; đề án sửa đổi bổ sung Quyết định số 470/QĐ-TCDT về ban hành quy trình lập dự toán, quyết toán chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia, cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ.

Tiếp đó là đề án quy định mức chi đối với chi phí nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; đề án quy định mức chi các nhóm nội dung chi đối với chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; các văn bản, đề án liên quan tới quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên…

Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Đồng thời, Cục Dự trữ Nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành của đơn vị; khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước; khai thác tối đa trang thiết bị công nghệ thông tin sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, giảm văn bản, giấy tờ hành chính.

Cục Dự trữ Nhà nước cũng xây dựng môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại và hiệu quả; coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cải cách thủ tục hành chính...

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Mới đây nhất, thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTC ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025.

Trong đó, năm 2025, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Bộ Tài chính giao.

Kiên quyết, triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế; phấn đấu tăng cao hơn nữa tỷ lệ chi đầu tư phát triển; chi ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; phân bổ và giao dự toán đúng thời hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, trong tổ chức thực hiện, các đơn vị phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (loại trừ các khoản chi lương, có tính chất tiền lương, chi cho con người, các khoản phải bố trí đủ theo cam kết quốc tế, các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm và phần tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương) để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng đầu tư công.

Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

 

Năm 2025, Cục Dự trữ Nhà nước đặt ra mục tiêu thực hiện kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tăng tốc, bứt phá về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, gia tăng nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.

Cục Dự trữ Nhà nước quy định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất với những kết quả cụ thể.