"Dẹp loạn" cho vay ngang hàng bằng sandbox
Ban hành sandbox về hoạt động cho vay ngang hàng sẽ giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hàng chục app cho vay tín dụng đen trá hình, mạo danh P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội về hoạt động cho vay ngang hàng và khẳng định sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát...
“Thanh lọc” công ty P2P
Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. P2P hiện đang được Chính phủ giao NHNN là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ trì đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty cho vay ngang hàng để cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.
Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.
Đáng chú ý, tuy mới được triển khai từ năm 2016 trở lại đây, nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và tổng phí dịch vụ thu được.
"Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động P2P đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Trước thực tế trên, NHNN đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động này. Trong đó, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực P2P vào đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng (cơ chế Regulatory Sandbox).
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này", Thống Lê Minh Hưng cho hay.
Chờ bứt phá
Theo các chuyên gia, việc ban hành sandbox sẽ giúp thanh lọc thị trường P2P, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hàng chục app cho vay tín dụng đen trá hình, mạo danh P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay cả các công ty P2P hoạt động đúng nghĩa, việc phải “thanh lọc” một lần nữa cũng là cần thiết.
Hiện nay, tại Việt Nam đang có khoảng 20 công ty hoạt động theo mô hình P2P. Với quy mô và nhu cầu của thị trường hiện nay, con số này chưa phải là nhiều. Song các chuyên gia cũng cho rằng, tiềm năng của thị trường là rất lớn, bởi tỷ lệ người dân chưa tiếp cận được kênh tín dụng chính thức còn khá lớn. Với ưu điểm giải ngân nhanh chóng, không yêu cầu thế chấp tài sản..., P2P là kênh tiếp cận vốn hữu hiệu cho người dân có thu nhập thấp.
Do đó, thời gia tới sẽ gia tăng thêm số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Vì vậy cần sớm có khung khổ pháp lý để quản lý và loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng đánh giá, lợi thế khác của các công ty P2P là cho vay qua nền tảng công nghệ, không bị hạn chế bởi rào cản địa lý. Chính vì vậy, các công ty này hoàn toàn có thể mở rộng hoạt động đến tận khách hàng vùng sâu, vùng xa. Các tiến bộ của công nghệ cũng ngày càng trở thành công cụ đắc lực cho các công ty P2P vận dụng để thu thập, phân tích dữ liệu khách hàng, chấm điểm tín dụng, giải ngân…
Nhiều doanh nghiệp cho hay, rào cản lớn nhất của thị trường P2P là chưa có hành lang pháp lý chính thức khiến “trắng đen lẫn lộn”, người dân không phân biệt được công ty P2P đúng nghĩa và công ty P2P trá hình, có cái nhìn thiếu thiện cảm về mô hình này.
Tuy nhiên, một khi NHNN đưa ra cơ chế thử nghiệm và công bố danh sách các doanh nghiệp được thử nghiệm, thị trường sẽ sàng lọc được các doanh nghiệp P2P trá hình, đồng thời mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho các doanh nghiệp P2P đúng nghĩa.
Ông Hiếu nhận định: “Hiện thị trường P2P của Việt Nam khá cạnh tranh.Thời gian tới, khi hành lang pháp lý thử nghiệm ra đời, lợi thế sẽ nghiêng về các công ty hoạt động theo đúng mô hình chuẩn chỉnh, áp dụng tối đa được công nghệ tiên tiến”.