Dệt may cần “chạy đua” đón đầu cơ hội trước các FTA
(Taichinh) - Thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2015 tuy giảm mạnh, nhưng FDI vào ngành dệt may lại tăng đột biến, chiếm tới 1/5 tổng số vốn. Vậy, ngành dệt may cần nắm bắt và hành động ra sao trước những cơ hội lớn đang rộng mở từ các FTA?
Bước ngoặt lớn với dệt may
Trước một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ gia nhập, như: Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, ngành dệt may của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để hội nhập, chinh phục thị trường thế giới.
Theo Bộ Công Thương, 06 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục đạt kim ngạch 12,8 tỷ USD. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với 42% so với tổngkim ngạch xuất khẩu dệt may. Tại các thị trường Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, kim ngạch đều đạt ở mức cao.
Có thể nói, dệt may đã và đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên nhiều chính sách phát triển. Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các FTA và đặc biệt là TPP.
Theo các chuyên gia kinh tế, 2015 là một năm khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số FTA kết thúc, cơ hội cho ngành dệt may ngày càng nhiều hơn.
Trong đó, Liên minh châu Âu được đánh giá là thị trường trọng điểm của dệt may Việt Nam, khi FTA Việt Nam - EU được ký kết sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này.
Với thị trường Hoa Kỳ, khi FTA được ký kết, thuế suất sẽ giảm dần và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị phần. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nay, mức thuế suất trung bình sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ từ 17%- 30%, nếu được giảm xuống còn 0% thì sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các nước khác.
Với FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết hồi cuối tháng 05 vừa qua, thì hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 8 trong số các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh này, với kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD.
Khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Trong vòng từ 03-05 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch xuất khẩu tương đương với các nước Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong Top 5 các nước xuất khẩu dệt may vào Liên minh kinh tế Á-Âu.
Đón nhiều tin vui
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 06 tháng đầu năm 2015 tuy giảm mạnh, nhưng ngành dệt may lại tăng đột biến. Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm 1,12 tỷ USD, với 3 dự án lớn, trong đó có dự án tới 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay.
Theo đó, dự án 660 triệu USD nói trên là của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến sợi tại Đồng Nai. Ngoài ra, còn có dự án 300 triệu USD sản xuất sản phẩm may mặc của nhà đầu tư Anh quốc tại TP. Hồ Chí Minh và dự án nhà máy sợi, vải màu 160 triệu USD tại Tây Ninh của nhà đầu tư Hồng Kông.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp dệt may của Trung Quốc đã quyết định đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sợi, dệt, nhuộm... Có thể kể đến: tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Forever Glorious thuộc tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc) sẽ đầu tư 140 triệu USD để phát triển dự án Trung tâm Thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm may mặc cao cấp. Ở khu vực phía Bắc, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) vừa được chính quyền tỉnh Nam Định cấp phép đầu tư dự án từ sản xuất sợi, đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD...
Nguyên nhân thu hút nhiều dự án dệt may là do giá nhân công của Việt Nam thấp cùng với sự tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là đón đầu TPP sắp hoàn tất.
Đặc điểm riêng biệt của TPP là quy tắc xuất xứ hàng hóa (CRO). Để nhận được mức thuế 0%, các nước tham gia phải triệt để tuân theo quy tắc xuất xứ với từng sản phẩm. Với dệt may là phải sử dụng nguyên liệu từ sợi trong nước. Nếu phải nhập thì chỉ nhập trong phạm vi các nước thành viên của TPP. Vì vậy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vốn lớn vào Việt Nam với các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may.
Song, cũng không ít lo lắng
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành dệt may Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là các FTA ngày càng có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ, đòi hỏi phải có mức độ cam kết sâu rộng cả về: thương mại, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ...
Cùng với đó, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mức lương tối thiểu, giá cả nguyên phụ liệu, vốn đầu tư, tạo sức ép cho doanh nghiệp gia tăng chi phí sản xuất. Áp lực cạnh tranh đã đặt các doanh nghiệp dệt may trong nước trước nguy cơ tụt hậu khi bộc lộ một số điểm yếu về: khâu dệt, nhuộm, hoàn tất...
Hơn nữa, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam vẫn nhập gần 50% nguyên phụ liệu cho dệt may, chủ yếu từ Trung Quốc.
Trung Quốc không tham gia TPP, vì vậy các nhà đàm phán thương mại Mỹ đã yêu cầu Việt Nam phải giảm sự lệ thuộc về nguồn nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi vào Mỹ.
Hiện chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm... Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50%-60% nhu cầu của toàn Tập đoàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ không đủ vốn đầu tư cho phát triển nguồn nguyên liệu, thì đang hết sức lo lắng về vấn đề này.
Bên cạnh đó, ngành dệt may đang là đối tượng cạnh tranh của toàn thế giới. Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 về dệt may, sau Trung Quốc. Tuy nhiên khoảng cách đang rất xa. Việc cạnh tranh với Trung Quốc gần như là bất khả thi, đó là lý do dệt may các nước chọn Việt Nam làm đối tượng cạnh tranh trực tiếp. Điều này đặt các doanh nghiệp trong nước trước một thách thức vô cùng lớn.
Theo Vitas, trong hơn 3.000 doanh nghiệp dệt may trên cả nước hiện nay, số lượng doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 25% nhưng lại chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Và hầu hết các doanh nghiệp FDI đang tiếp tục mở rộng sản xuất khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Như vậy, ngành dệt may dù có số lượng doanh nghiệp và quy mô hoạt động được đánh giá là tương đối mạnh, nhưng lại đang có một khoảng cách khá xa với doanh nghiệp FDI.
Với nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chủ yếu thực hiện công đoạn may, giá trị gia tăng thấp, vốn nhỏ, công nghệ lạc hậu, được cho sẽ gặp khó khăn, không đấu nổi về năng suất, chất lượng, giá thành, có thể sẽ trở thành những doanh nghiệp làm thuê cho các doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh.
Để tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế
Nhằm đón đầu cơ hội từ các FTA đa phương, song phương, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may đã chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.
Trả lời trên VOV, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, để có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA, trong thời gian tới, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng triển khai việc phổ biến các FTA mới được ký kết; tạo điều kiện cho các chuyên gia của ngành nghiên cứu sâu các nội dung của FTA để triển khai đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hiểu, tiếp cận FTA và hiện thực hóa các nội dung của FTA hiệu quả....
Về triển vọng phát triển của ngành dệt may trước một loạt các FTA, đặc biệt là FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu vừa được ký kết, ông Lê Tiến Trường cho biết: “Mỗi năm, Liên minh Kinh tế Á-Âu là một thị trường đã nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD hàng hóa dệt may. Năm 2014, Việt Nam xuất sang khối này chỉ có 320 triệu USD, thị phần của ta ở đó khoảng hơn 2%. Nếu xử lý tốt lợi ích của FTA này bao gồm cả hàng rào thuế quan, đơn giản hóa thủ tục hải quan chắc chắn Việt Nam có thị phần khoảng 10% tại thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu trong 5 năm tới là khả quan”.
Về hướng khắc phục khó khăn và chuẩn bị cho việc gia nhập các FTA, bà Đặng Kim Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẽ nỗ lực để kêu gọi các doanh nghiệp kể cả nước ngoài, cũng như trong nước đầu tư vào những điểm yếu nhất của chúng ta”.
“Phải tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để chúng ta tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may. Như vậy, chúng ta mới đáp ứng được xuất xứ và được hưởng lợi từ FTA cũng như TPP”, bà Dung nói.
Để tận dụng tối đa lợi thế mà các FTA mang lại, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp dệt may cần nỗ lực hơn nữa và không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, mẫu mã, chất lượng sản phẩm để có thể vươn xa và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường quốc tế.