Hiệp định FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU):

Lợi thế cạnh tranh đặc biệt

Theo Nguyễn Giang/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đã được ký chính thức vào ngày 29.5 vừa qua. Tuy việc ký kết đã được hoàn tất hơn 1 tháng nhưng các doanh nghiệp dường như vẫn chưa nắm rõ các nội dung cam kết để tận dụng các lợi ích khi FTA có hiệu lực chính thức từ 1.1. 2016.

Ảnh minh họa. Nguồn: dddn.com.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: dddn.com.vn

Cơ hội rộng mở

Tại Hội thảo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu: Nội dung cam kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, nước ta là đối tác ký FTA đầu tiên của EAEU và khu vực này hiện vẫn duy trì hàng rào thương mại tương đối cao với tất cả các nước khác ngoài khu vực.

Do đó, khi chính thức có hiệu lực vào năm 2016, hiệp định này sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta, khi là quốc gia duy nhất được áp dụng thuế suất ưu đãi. Đây là con đường độc lập chỉ dành riêng cho đối tác ký kết đầu tiên (Việt Nam) - bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, về quy tắc xuất xứ, các mặt hàng phải có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một, hai bên trong hiệp định này. Đặc biệt, dệt may được áp dụng quy tắc xuất xứ một công đoạn, nên không bắt buộc phải có cả nguyên vật liệu và sản xuất đều thực hiện ở nước ta.

Các nguyên liệu sản xuất giày được nhập khẩu không bị khống chế bởi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng như một số FTA khác. Việc vận chuyển hàng hóa cũng không quá khắt khe, vì EAEU cho phép vận chuyển hàng hóa qua bên thứ ba vì lý do địa lý hoặc yêu cầu vận tải liên quan.

Tất nhiên, hàng hóa không được tham gia vào giao dịch thương mại hay tiêu thụ tại đó và không trải qua các công đoạn khác ngoài việc dỡ, bốc lại, lưu kho hay những khâu khác nhằm bảo đảm điều kiện của hàng hóa. Cùng với khoảng cách lớn về địa lý, điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong khâu logistics nếu muốn tận dụng ưu đãi từ FTA này.

Bên cạnh đó, theo đại diện của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), EAEU cam kết sẽ mở cửa thị trường đối với 9.927 dòng thuế; cam kết mở cửa ngay lập tức cho trên 80% dòng hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, nông sản...

EAEU cam kết cắt, giảm 82% tổng số dòng thuế đối với các mặt hàng có kim ngạch chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của nước ta. Về thủy sản, 71% dòng thuế cam kết cắt giảm là thuộc các mặt hàng thủy sản mà nước ta có kim ngạch xuất khẩu lớn, chiếm 100% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hàng rào kỹ thuật chặt chẽ...

Tuy nhiên có thể thấy, các quốc gia trong Liên minh Kinh tế Á - Âu đều thực hiện rất nghiêm về chứng nhận xuất xứ (CO), sẵn sàng tạm ngừng ưu đãi đối với người và hàng hóa liên quan nếu gian lận CO có hệ thống.

Nếu tình trạng gian lận vẫn tái diễn thì sẽ tiến tới tạm ngừng ưu đãi đối với cả hàng hóa giống về tính chất vật lý, chất lượng và danh tiếng so với hàng hóa vi phạm. Việc tạm dừng ưu đãi chỉ có thể được áp dụng đến khi bên xuất khẩu cung cấp các chứng từ thuyết phục trong thời gian không quá 4 tháng, gia hạn tối đa 3 tháng.

Do vậy, đại diện Bộ Công thương lưu ý, các cơ quan chức năng cần cẩn trọng trong kiểm tra, giám sát hoạt động này, tránh tình trạng nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng do một mặt hàng làm sai quy định. Lực lượng hải quan cần tích cực trao đổi, có đầu mối để hỗ trợ việc thực hiện hiệp định; cho phép áp dụng thủ tục về xác định trước mã số, xuất xứ khi nhập khẩu hàng hóa...

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ các lợi ích mà FTA này mang lại, từ đó vận dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác hiệu quả các thị trường mới.

Trong đó, cần chú ý cơ chế phòng vệ ngưỡng với đơn hàng dệt may, đồ gỗ (EAEU điều tra thị trường nội địa và thấy bị ảnh hưởng sẽ đặt ngưỡng nhập khẩu), để kịp thời điều chỉnh lượng hàng xuất khẩu ra các thị trường. Doanh nghiệp cũng phải sớm nghiên cứu, đưa ra các biện pháp khắc phục khó khăn về địa lý, khâu logistics và các biện pháp thanh toán song phương.

Đồng thời, chủ động phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan, các đầu mối để nắm rõ các quy định và cam kết của Hiệp định cũng như nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước trong vấn đề này. Đặc biệt là, tìm hiểu và nắm chắc quy định về Hàng rào Kỹ thuật thương mại (TBT); việc áp dụng các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EAEU... để xây dựng hệ thống sản xuất đạt trình độ kỹ thuật phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh khó khăn khi đa số tài liệu về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EAEU chưa được dịch cụ thể sang tiếng Việt, chỉ có bảng mục thống kê sơ lược về các giai đoạn ưu đãi, hay một số ngành hàng được ưu tiên áp dụng.

Trong khi đó, Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam có khả năng bổ trợ cho nhau trong sản xuất, vì các mặt hàng chủ lực của mỗi bên đều là những hàng hóa, sản phẩm có nhu cầu cao ở bên còn lại trong hiệp định.

Vì vậy, các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng phổ biến nhiều thông tin hơn về lợi ích, cũng như điều kiện cụ thể trong FTA này, giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các tác động khi hiệp định có hiệu lực thi hành.