Dệt may hướng đến sản xuất thông minh để gia tăng cạnh tranh

Tĩnh Đồng

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế, hướng tới sản xuất thông minh, nâng cao năng suất, chất lượng là một trong những yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp dệt may ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho doanh nghiệp dệt may. Ảnh: PV
Chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh là yêu cầu bức thiết đặt ra cho doanh nghiệp dệt may. Ảnh: PV

Thách thức chuyển đổi số

Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu dệt may ghi nhận tín hiệu khởi sắc rõ rệt. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu bởi hầu hết thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên; các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi...

Bà Mai nhận định, hoạt động sản xuất của ngành Dệt may sẽ có chiều hướng phục hồi, khởi sắc tốt hơn nếu thời gian tới tình hình kinh tế thế giới không có biến động lớn, cũng như không có thêm các cuộc xung đột địa chính trị.

"3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,3 tỷ USD. Mục tiêu xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD của dệt may Việt Nam trong năm nay hoàn toàn khả thi", bà Mai nói.

Dù đơn hàng dệt may đã phục hồi, song theo bà Mai, toàn ngành Dệt may cũng đối mặt không ít thách thức khi đơn giá gia công còn rất thấp; đơn hàng nhỏ nhưng yêu cầu về thời gian giao hàng bị rút ngắn. Ngoài ra, phần lớn các thị trường xuất khẩu hiện nay đều kiểm soát chặt chuỗi cung ứng từ nguồn lao động cho đến tác động môi trường.

Thách thức nổi cộm khác là quá trình chuyển đổi số, hướng đến sản xuất thông minh. Nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu, theo bà Mai, các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh. Điều này giúp tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy đổi mới sản phẩm, marketing

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia sâu vào thị trường quốc tế, việc nâng cao năng suất, chất lượng được coi là một trong những yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp dệt may ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.

Thời gian tới, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing. Ảnh: PV
Thời gian tới, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing. Ảnh: PV

Thời gian qua, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, ngành Dệt may Việt Nam đã ứng dụng nhiều quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia nhằm nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, để khai thác thị trường châu Âu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đáp ứng Quy định đăng ký, đánh giá, chứng nhận và hạn chế các chất hóa học (REACH) của Liên minh châu Âu (EU); áp dụng phổ biến bộ tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14000, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN 13:2008/BTNMT. Cạnh đó, một số doanh nghiệp may Việt Nam còn sử dụng Chỉ số Higg của Hiệp hội May mặc bền vững như là công cụ tự đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đặc biệt chú ý tới việc áp dụng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội để đảm bảo hội nhập bền vững với các thị trường lớn trên thế giới như: SA8000 -Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội; Bộ tiêu chuẩn WRAP về chứng nhận tuân thủ trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực may mặc và xuất khẩu sang thị trường Mỹ; Bộ tiêu chuẩn BSCI đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh của doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường EU.

Nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả các mô hình, kỹ thuật tổ chức sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: Mô hình sản xuất tinh gọn Lean, công cụ như cân bằng chuyền, bảo trì năng suất tổng thể (TPM), hệ thống cảnh bảo trực quan Andon, cải tiến liên tục (kaizen), tiêu chuẩn hóa thao tác (SW)…

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và thời trang hóa ngành Dệt may. Ngoài ra, cần xanh hóa dệt may để tiếp cận với thị trường thế giới trong bối cảnh các nước châu Âu đã có quy định rất rõ ràng về tỷ lệ tái chế sản phẩm…

Thời gian tới, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc đổi mới sản phẩm, quy trình, marketing, áp dụng các tiêu chuẩn…, từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu thực tế.