Dệt may loay hoay thoát cảnh gia công
Giá trị lợi ích khi chuyển từ làm gia công sang thiết kế, phân phối sản phẩm là rất lớn, có thể tăng thêm 100 – 200% so với việc chỉ nhận được 1 – 2 USD/sản phẩm từ gia công. Tuy vậy, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn chủ yếu làm gia công, các sản phẩm xuất khẩu được thiết kế, mang thương hiệu Việt Nam còn rất hạn chế.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may 3 tháng đầu năm 2019 đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2018. Năm 2019, ngành dệt may kỳ vọng đạt mục tiêu kim ngạch XK 40 tỷ USD, tăng trưởng 11%.
Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự báo sẽ tạo ra cú hích cho ngành dệt may Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Chủ yếu gia công
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, ngay ở thời điểm cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp (DN) đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019.
Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đổ vào ngành dệt may trong những năm gần đây cũng đã và đang dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may trong nước, từ đó tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao hơn.
Chỉ số sản xuất ngành dệt tính chung 3 tháng tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2018 (tháng 3 tăng 9,9%); chỉ số sản xuất trang phục tăng 10,3%.
Một số sản phẩm trong ngành đạt mức tăng trưởng khá cao: Vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 136,1 triệu m2, tăng 8,8%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 265,8 triệu m2, tăng 12,4%; quần áo mặc thường ước đạt 1.178,9 triệu cái, tăng 8,9%. Kim ngạch XK hàng dệt và may mặc ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 13,3%.
Điều này cho thấy cơ hội phát triển của ngành dệt may là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lợi thu về được bao nhiêu vẫn là một ẩn số, do ngành dệt may vẫn thuần gia công, chưa kể DN có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỷ trọng XK áp đảo.
Mặc dù trong những năm gần đây, ngành dệt may đã nhận thức rõ xu hướng muốn phát triển bền vững phải thoát cảnh thuần gia công (CMT) sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng), nhưng đến nay có tới trên 80% DN vừa và nhỏ vẫn thuần gia công.
Nguyên nhân là ngành vẫn còn một số yếu kém, bất cập như nguồn nguyên phụ liệu hầu hết phụ thuộc vào nước ngoài, phương thức CMT vẫn là chủ yếu (chiếm 65%), hàng FOB mới chiếm 25%, ODM và OBM chỉ đạt 10%.
Nhìn vào hiện trạng thời trang dệt may Việt Nam, Ts. Trần Văn Quyến, chuyên gia tư vấn The Woolmark Company, cho rằng ngành vẫn chưa hình thành rõ ràng "khẩu vị" thời trang và thương hiệu thời trang của Việt Nam.
Ngành may phát triển nhanh và lớn với các "đại gia" như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10, Đức Giang… gồm các nhà cung cấp đã được đánh giá, đạt kim ngạch XK lớn, nhưng chỉ phù hợp với đơn hàng lớn, hàng hóa đơn giản, tính thời trang chưa cao. Cùng với đó, các công ty may vừa và nhỏ thường sản xuất gia công, gồm các nhà cung cấp chưa được đánh giá.
Phương thức sản xuất may chủ yếu vẫn là gia công, FOB chiếm tỷ lệ thấp, khả năng sản xuất OEM, ODM còn hạn chế, mới xuất hiện phương thức OBM.
Ông Quyến cho rằng thời trang Việt Nam vẫn phát triển mạnh thời trang thị giá, chưa quan tâm thời trang cảm giác, thời trang bền vững, thời trang chức năng, thời trang môi trường.
Ngành dệt và phụ trợ phát triển không tương xứng với ngành may và thời trang. Bên cạnh đó, chiến lược khoa học, công nghệ ngành dệt chưa phù hợp với xu hướng của thế giới; đào tạo lao động kỹ thuật cho ngành thời trang dệt may cũng chưa phù hợp và tương xứng.
Chú trọng khâu thiết kế
Bà Trần Thị Thu Hiền, đại diện CTCP May Chiến Thắng, chia sẻ từ xưa đến nay, các công ty may của Việt Nam chủ yếu gia công cho nước ngoài. Công ty Chiến Thắng cũng không ngoại lệ, tuy nhiên đang chuyển sang làm hàng FOB, sắp tới là ODM.
"Giá trị lợi ích khi chuyển từ làm gia công sang khâu thiết kế, phân phối sản phẩm là rất lớn. Trong ngành thời trang, thiết kế là khâu đem lại lợi nhuận cao nhất, sau đó mới là bán hàng, sản xuất nguyên liệu và gia công", bà Hiền chia sẻ.
Theo bà Hiền, trước đây, làm gia công, DN chỉ thu được 1 – 2 USD/ sản phẩm, nếu chuyển sang làm FOB, ODM, lợi nhuận cao hơn 100 – 200% là chuyện bình thường. Đáng tiếc là hiện tại, DN Việt Nam chủ yếu vẫn đang làm gia công.
"Qua 55 năm làm gia công, công ty hiểu được quy chuẩn chất lượng của thế giới cũng như mẫu mã, là lợi thế để tự thiết kế các sản phẩm phù hợp với người Việt Nam và thế giới", bà Hiền cho biết.
Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho hay khó khăn nhất mà công ty này gặp phải khi chuyển sang làm hàng ODM chính là tìm được những nhà thiết kế có đủ tầm, nắm bắt được xu hướng thời trang, biến những sản phẩm thiết kế trên giấy trở thành những sản phẩm thời trang phục vụ đời thường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chưa kể, bất lợi của DN hiện nay là vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc không tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn, đặc biệt là CPTPP, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan. Đây là điểm bất lợi cho DN dệt may Việt Nam
Hơn nữa, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng các FTA đang đặt ra các thách thức không hề nhỏ với DN dệt may. Cụ thể, DN Việt Nam trước đây chỉ cần ngồi chờ là khách hàng đến, nhưng nay đơn hàng chỉ đến với DN nếu đáp ứng được yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.
Nếu DN Việt Nam sử dụng nguyên liệu vải trong nước, khách hàng sẽ đặt đơn hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), nếu DN thiết kế được sản phẩm thì đối tác sẽ đặt đơn hàng ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm)…
"FTA là một sân chơi mà DN phải chấp nhận các nguyên tắc mới có đơn hàng. FTA đến càng gần, thách thức càng lớn", ông Giang nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng từ trước đến nay, DN chỉ quan tâm tới thị trường, chủ yếu gia công, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Thậm chí, theo ông Hải đang xảy ra tình trạng sử dụng nhãn hiệu chưa rõ ràng, trong một số trường hợp sản phẩm của nước ngoài nhưng lại gắn "Made in Vietnam", một số khác là sản phẩm Việt Nam nhưng gắn nhãn mác nước ngoài dẫn tới những tranh chấp pháp lý không đáng có. DN muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cần bắt đầu khắc phục từ những bất cập của tình trạng này.
Theo các chuyên gia trong ngành, DN trong nước cần tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với nhau; liên kết giữa DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài, giữa DN sản xuất nguyên liệu, phụ liệu và may, hình thành chuỗi liên kết tại mỗi vùng miền. Đặc biệt, các DN cần đề ra những chiến lược để từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và khả năng chủ động về nguyên liệu cho may XK, chuyển dần từ phương thức CMT sang FOB, ODM.
Bộ Công Thương cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tháo gỡ điểm nghẽn về dệt nhuộm, khuyến khích phát triển sản xuất vải, gia tăng giá trị sản xuất trong nước đối với các mặt hàng dệt may.
Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, liên kết các DN tham gia chuỗi cung ứng dệt may, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan, đồng thời chú trọng khâu thiết kế mẫu mã, phát triển thương hiệu và hệ thống phân phối nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, tăng trưởng XK.