Khoảng 75% lao động trong lĩnh vực dệt may chưa qua đào tạo
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 25%, còn lại khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo.
Con số trên được bà Phùng Thị Hạnh – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Dệt may Hà Nội cho biết tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Dệt may đáp ứng nhu cầu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4”, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 21/9 vừa qua.
Theo bà Hạnh, tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 7.000 doanh nghiệp (DN) dệt may, với số lượng lao động xấp xỉ 2,5 triệu người, trong đó 80% là lao động nữ. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các DN dệt may Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 25%, còn lại khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo (chủ yếu mới chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông) hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Trong khi đó, dự báo đến năm 2025, ngành Dệt may Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 lao động vào năm 2030.
“Nếu tính chất lượng nhân lực để có thể đáp ứng các vị trí, quy trình sản xuất ngành Dệt may theo yêu cầu của CMCN 4.0 thì ngành này đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn”, bà Hạnh tính toán.
Trước thực trạng trên, bà Hạnh lo ngại, những hạn chế cả về số lượng và chất lượng lao động trong lĩnh vực dệt may đang là thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành Dệt may và khó có thể đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0 đang phát triển nhanh chóng như hiện nay.
Bởi theo phân tích của bà Hạnh, dưới tác động của CMCN 4.0 với trọng tâm là ứng dụng các công nghệ số, kỹ thuật số, trong tương lai rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành Dệt may sẽ được sử dụng những máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, sử dụng rô bốt… thay cho sức lao động của con người.
Đơn cử, ở khâu sản xuất sợi, quá trình tự động hóa, sử dụng rô bốt sẽ được áp dụng rộng rãi vào tất cả các công đoạn từ chuẩn bị bông đến đóng gói sản phẩm. Cách đây 10 năm, DN sợi cần sử dụng 100 – 110 lao động cần thiết để vận hành một nhà máy có quy mô 1 vạn cọc sợi, nhưng khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, số lượng nhân lực giảm chỉ còn 25 – 35 lao động để vận hành nhà máy có quy mô tương tự.
Để giải quyết những hạn chế và thách thức trên, các chuyên gia cho rằng, cần giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt đang tồn tại trong ngành Dệt may hiện nay, đó là: Chất lượng nguồn nhân lực; Công tác đào tạo của DN dệt may; Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực ngành Dệt may.
Cụ thể, về chất lượng nguồn nhân lực, để đáp ứng được CMCN 4.0 đòi hỏi nguồn nhân lực dệt may cần có kỹ năng thiết kế sản phẩm sử dụng công nghệ 3D, có khả năng vận hành dây chuyền tự động hóa cao bằng rô bốt công nghiệp, có khả năng sử dụng máy in 3D, máy dệt 3D để sản xuất sản phẩm. Đồng thời, nguồn nhân lực dệt may cần có năng lực nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu mới sử dụng trong ngành Dệt may như vật liệu có khả năng theo dõi và bảo vệ sức khỏe, vật liệu có khả năng kết nối internet, để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng…
Đối với công tác đào tạo của DN dệt may, các DN cần chú thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại toàn bộ lao động ở tất cả các vị trí làm việc, đặc biệt là các vị trí cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ quản lý cấp trung đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0…
Cùng với các giải pháp trên, các cơ quan nhà nước cần có nhưng chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành Dệt may, liên kết giữa các cơ sở đào tạo và DN… để tạo điều kiện cho ngành Dệt may nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó nhanh chóng thích ứng với CMCN 4.0.