Dệt may năm 2023 tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm


Định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao, cho mục tiêu đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may là các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Với quy mô các DN dệt may lớn hơn, liên kết chặt chẽ hơn, khách hàng hoàn toàn tự tin khi đặt hàng trọn gói để có sản phẩm cuối cùng ngay tại Việt Nam.
Với quy mô các DN dệt may lớn hơn, liên kết chặt chẽ hơn, khách hàng hoàn toàn tự tin khi đặt hàng trọn gói để có sản phẩm cuối cùng ngay tại Việt Nam.

Sản xuất và xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2023 chịu nhiều áp lực, thách thức lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dư âm của đại dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu, lượng hàng tồn kho lớn do nhu cầu sụt giảm… Từ những khó khăn này, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may năm 2023 ước đạt 40,324 tỷ USD, giảm hơn 9% so với năm 2022.

Doanh nghiệp dệt may hình thành chuỗi liên kết bền vững

Dù tăng trưởng ngành dệt may năm 2023 không đạt như kỳ vọng, song đây cũng là năm các DN trong ngành đã chứng tỏ sự nỗ lực vượt qua khó khăn tìm kiếm đơn hàng, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 cho biết, bên cạnh việc tận dụng những cơ hội từ các FTA để thiết lập liên kết với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu để tạo ra chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, May 10 cũng như nhiều DN khác còn tích cực thăm quan, học hỏi mô hình sản xuất của nhau, từ đó tìm hướng liên kết giúp đỡ, học hỏi về mô hình quản trị, quy trình sản xuất cũng như định hình thị trường, khách hàng và hướng phát triển các dòng sản phẩm.

“Chuỗi cung ứng đầy đủ và hoàn chỉnh của các DN dệt may Việt Nam đã tạo nên sự yên tâm, hài lòng cho khách hàng, bởi quá trình đặt hàng tại Việt Nam, khách hàng sẽ có được 1 sản phẩm trọn gói, xuyên suốt từ khâu sợi, dệt, nhuộm cho đến may. Với quy mô các DN dệt may lớn hơn, liên kết chặt chẽ hơn, khách hàng hoàn toàn tự tin khi đặt hàng trọn gói để có sản phẩm cuối cùng ngay tại Việt Nam. Đây là điểm sáng, là nỗ lực của các DN dệt may Việt Nam năm 2023 trong bối cảnh thị trường hết sức khó khăn”, ông Việt nói.

“Dệt may Việt Nam đã bứt phá về thị trường, mặt hàng xuất khẩu với 104 thị trường xuất khẩu, có các thị trường mới như châu Phi, Nga, các nước đạo Hồi. Điều này cho thấy, dệt may Việt Nam đã dần giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn”. Đây là đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khi nhận thấy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2023 đã phục hồi, có xu hướng vượt qua thời điểm trước dịch COVID-19.

Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với Bangladesh. Trong khi nước bạn đã sớm áp dụng chuyển đổi xanh, ngành dệt may Việt Nam mới đang trên những bước đầu của chuyển đổi. Do vậy, ngành dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới. Đồng thời nhanh chóng đầu tư công nghệ, kiểm soát tốt từ nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất.

Giải quyết các vấn đề cốt lõi để bứt phá

Căn cứ vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cũng như dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, ngành dệt may đưa ra mục tiêu phấn đấu tăng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Để chinh phục mục tiêu này, bên cạnh những thuận lợi đang hiện hữu, ngành dệt may sẽ đối diện với những khó khăn thách thức lớn về yêu cầu của thị trường.

Do đó, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, ngành dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá. Bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá... Các DN cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, các gói hỗ trợ nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...

“Ngành dệt may cần đa dạng hóa nguồn vốn và thị trường, đối tác và nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và chú trọng kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...”, ông Cấn Văn Lực chỉ ra.

Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, hiện nay các DN dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng, còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam là tiến dần lên các phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao hơn. Xa hơn nữa, đến năm 2035, đóng góp chủ yếu vào giá trị xuất khẩu dệt may sẽ đến từ xuất khẩu các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Để thực hiện được quá trình chuyển đổi này, rất cần quyết tâm mạnh mẽ của các DN trong sản xuất bền vững, xanh hóa và chuyển đổi số. DN đưa công nghệ vào quy trình sản xuất và kinh doanh, thích nghi dần với những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng ngắn, bắt buộc sử dụng nguyên liệu tái chế...

“Trong xu hướng phát triển, DN dệt may luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh. Để làm được điều này, buộc các DN phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất để giảm chi phí, nâng cao năng suất tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng”, Chủ tịch Vitas nêu định hướng.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN