Dệt may Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” đưa kinh tế phát triển tăng tốc
Dù rất nhiều khó khăn, thách thức, ngành Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 20-21 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022, đưa trị giá xuất khẩu cả năm cán đích từ 42-43 tỷ USD.
"Đạp bằng" khó khăn, phấn đấu xuất khẩu đạt 43 tỉ USD trong năm 2022
Sáng 21/7, chia sẻ với báo chí, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) - cho biết: Dù đối mặt không ít khó khăn trong nửa cuối năm, nhưng với nỗ lực chuyển đổi số, quản trị và xanh hóa, toàn ngành Dệt may vẫn hướng tới mục tiêu đạt trị giá xuất khẩu khoảng 20-21 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022 để đưa trị giá xuất khẩu cả năm cán đích khoảng 42-43 tỷ USD.
Tình hình kinh tế thế giới đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức: Xung đột Nga - Ukraina,, tỉ giá đồng tiền Euro sụt giảm, dịch bệnh COVID-19 đang có xu hướng phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, biến đổi khí hậu... sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam vốn có độ mở rất lớn trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Theo ông Vũ Đức Giang, để đạt được kim ngạch xuất khẩu theo mục tiêu đã đề ra, đưa ngành dệt may phát triển bền vững trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần năng động và sáng tạo, chủ động bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi "xanh" để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng, tăng cường giải pháp xây dựng đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường, đặc biệt chú trọng tới nguồn nhân lực thiết kế cho ngành công nghiệp thời trang hiện đại trong giai đoạn mới. Các doanh nghiệp cũng cần mở rộng thêm thị trường để không quá phụ thuộc vào một vài thị trường xuất khẩu, dễ bị rủi ro, đứt gãy khi tình hình thế giới đang nhiều biến động và dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến nguy hiểm, khó lường.
“Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thay đổi thiết bị công nghệ nhằm thích ứng được yêu cầu từ các nước nhập khẩu, điển hình như yêu cầu về sản phẩm may mặc tái chế vào thị trường EU hiện nay” - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Dệt may là một trong những “điểm sáng” kinh tế của ngành công nghiệp
Theo VITAS, thực tế là các doanh nghiệp ngành Dệt may Việt Nam đã nắm bắt xu thế mới của người tiêu dùng, các đòi hỏi khắt khe của thị trường để đáp ứng và đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Dệt may tiếp tục là "át chủ bài" trong sản xuất công nghiệp, là 1 trong 5 nhóm ngành đạt giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.
Trong tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc, đạt kim ngạch 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xuất khẩu xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD, tăng 22,3%; xuất khẩu vải không dệt đạt 452 triệu USD, tăng 25,5%.
Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh: “Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhiều tích cực nhờ động lực và đóng góp của một số ngành, lĩnh vực. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, trong đó sản xuất trang phục tăng 23,3%. Đây là điểm sáng của nền kinh tế”.
Mặc dù vậy, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang cũng khuyến nghị, dù rất thuận lợi trong nửa đầu năm, song dự báo, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng COVID-19 mới vẫn đang hiện hữu; nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay (giá bông đã tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây) khiến chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng từ 20-25%. Đây là thách thức lớn mà doanh nghiệp đang phải đối đầu và tìm cách khắc phục.