Địa ốc Miền Trung và câu chuyện “tránh bẫy”
Thị trường bất động sản Miền Trung đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư tuy nhiên chọn sản phẩm đầu tư an toàn là vấn đề cần cân nhắc.
Câu chuyện “vẽ hươu, vẽ vượn” rồi đưa khách hàng “vô tròng” không phải là mới tại thị trường bất động sản Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Trưa ngày 6/1/2022, hàng trăm người dân mua đất 3 dự án liên quan đến vụ tranh chấp bất động sản lớn nhất Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục bao vây một cơ sở kinh doanh của chủ đầu tư để... đòi đất.
Nguyên nhân là năm 2017, Công ty CP Bách Đạt An ký hợp đồng giao Công ty Hoàng Nhất Nam môi giới phân phối hơn 1.100 lô đất 3 dự án trên. Sau đó, hai bên xảy ra tranh chấp, được nhiều cấp tòa án xét xử.
Kết quả, tòa các cấp đều thống nhất buộc Công ty Bách Đạt An phải tiếp tục hợp đồng, liên hệ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam để thực hiện các thủ tục ra sổ đỏ, bàn giao đất cho người dân. Tuy nhiên, đến nay Công ty Bách Đạt An vẫn chưa thi hành án dù bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Mới đây nhất, dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo luật định nhưng Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) vẫn diễn ra hoạt động mời chào, rao bán đất nền ngay tại cổng dự án, không đúng quy định của pháp luật, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động kinh doanh bất động sản và huy động vốn tại Dự án Khu phố chợ Chiên Đàn.
Trường hợp kể trên dù sao cũng là “đất có thật”. Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn bán đất vịt trời cho nhà đầu tư. Công ty Quảng Đà là một ví dụ.
Theo đó, dù dự án mang tên "Khu dân cư Nam Cẩm Lệ" của Công ty Quảng Đà (địa chỉ số 155 Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) là không có thật, khu đất trên hiện vẫn do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Đà Nẵng quản lý, không giao cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện đầu tư dự án bán đất nền. Tuy nhiên, Công ty Quảng Đà đã tiến hành nhận tiền của khách hàng mua bán các lô đất ở vị trí nêu trên.
Hiện lãnh đạo công ty nói trên là Nguyễn Thị Bích Thuận và Hồ Cẩm Uyên bị cùng mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bình luận về vấn đề này, ông Văn Tuấn Huy – Tổng Giám đốc Dana Invest chia sẻ: Diễn biến trên thị trường trong thời gian qua cho thấy rất nhiều trường hợp mua nhà trên giấy, nhiều người đã lâm vào cảnh trắng tay, song vẫn không có cách nào lấy lại tiền đã đặt cọc, góp vốn đầu tư.
Đặc biệt, nếu doanh nghiệp vỡ nợ, kiện tụng hoặc phá sản thì trước hết khách hàng, người dân là người chịu thiệt nhất vì chắc chắn các doanh nghiệp này đã đem các tài sản đi thế chấp ngân hàng mà về nguyên tắc, tài sản thế chấp thì các ngân hàng giữ và được quyền bán hay phát mại để thu lại số tiền đã bỏ ra.
“Trong bối cảnh thật giả lẫn lộn như hiện nay, để tránh rủi ro trong quá trình đầu tư, khách hàng cũng cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những công ty bất động sản uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu”, ông Huy đưa ra lời khuyên.
Dưới góc nhìn pháp luật, Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp khẳng định: Pháp lý bất động sản có tầm quan trọng, ảnh hưởng lớn đến giá trị, quyền lợi và nghĩa vụ của chủ đầu tư, khách hàng. Đây là yếu tố then chốt giúp tạo nên sự tin tưởng cho đôi bên.
Theo Luật sư Đỗ Pháp, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản những dự án rõ ràng về pháp lý, chủ đầu tư uy tín sẽ chiếm lợi thế. Khi một dự án bất động sản rõ ràng về pháp lý, chủ đầu tư uy tín, kết hợp hai yếu tố này sẽ tạo ra sản phẩm uy tín bán ra thị trường.
Luật sư Đỗ Pháp đưa ra lời khuyên: Nhà đầu tư phải nắm rõ pháp lý, phải có cái nhìn thấu giá trị hoặc rủi ro với tài sản mình sẽ sở hữu. Bởi yếu tố pháp lý quyết định rất lớn đến giá trị của tài sản. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà đầu tư cần tìm hiểu thông tin chủ đầu tư, sau đó kiểm tra pháp lý dự án, chỉ nên chọn những dự án đã có pháp lý rõ ràng, có đủ các giấy tờ cần thiết.
Các yếu tố đảm bảo tính an toàn của dự án bao gồm sổ đỏ, giấy phép xây dựng, đồ án quy hoạch, thiết kế xây dựng dự án trong tương lai,… Nhà đầu tư cần xem lô đất mà mình sắp mua đã có quyết định giao đất do cơ quan có thẩm quyền cấp chưa, đã được phê duyệt quy hoạch 1/500 chưa?
“Rủi ro lớn nhất mà nhà đầu tư có thể gặp là mua phải các dự án pháp lý dở dang, khi đó tốn kém thời gian để hoàn thiện pháp lý hoặc không thể hoàn thiện pháp lý do vướng các quy định”, Luật sư Đỗ Pháp khuyến cáo.