Dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nền kinh tế nền tảng số
Theo các chuyên gia, dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy kinh tế nền tảng số nhưng để có thể tận dụng và phát triển mạnh mẽ nền kinh tế nền tảng số.
Xu thế tất yếu
Tại tọa đàm “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với kinh tế nền tảng số”, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho ràng dịch Covid-19 đem lại cơ hội cho kinh tế nền tảng số.
Ông Thành nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến kinh tế thế giới thay đổi về cách thức phát triển.
Theo chuyên gia này, dịch SARS vào năm 2003 khiến người dân phải hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử. Chính thời điểm đó, những công ty trưởng thành từ “gầm cầu” như Alibaba của tỷ phú Jack Ma trỗi dậy. Với những tố chất của một “phượng hoàng”, Alibaba đã đạt được những thành công vượt bậc như ngày hôm nay .
Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng, nền kinh tế Việt Nam cũng đang dịch chuyển từ sản xuất công nghiệp sang dịch vụ. Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài hay đương đầu để bước vào giữa sân chơi toàn cầu, tùy theo lựa chọn của Chính phủ, của doanh nghiệp và người dân.
“Đây là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử. Đặc điểm của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhân sự trẻ, đó cũng là một lợi thế, bởi các doanh nghiệp này sẽ có mức độ thích nghi với công nghệ khá tốt, hạ tầng công nghệ thông tin tốt”, ông Nguyễn Đức Thành cho hay.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học...
“Phát triển kinh tế số nên là tự thân, chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Cần hướng đến nó là nền tảng, chủ động thay vì bị động. Việt Nam có cơ hội và lợi thế là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi”, theo ông Đậu Anh Tuấn.
Cần hành lang pháp lý hợp lý cho kinh tế nền tảng số
Các nền tảng kinh tế số đã đặt nền móng cho những thành công đột phá của nhiều tên tuổi lớn như Google, Amazon, Uber, Airbnb hay eBay. Các hoạt động kinh tế - xã hội, từ giáo dục, chăm sóc y tế đến quản lý nhà nước cũng từng bước biến đổi.
Song, mặc dù tiếp cận với các nền tảng kinh tế từ rất sớm, nhưng ngay cả những nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Mỹ cũng gặp không ít những thử thách. Họ đối mặt với những hình thái công việc mới, những mô hình kinh doanh mới, hoàn toàn khác biệt với truyền thống.Những biến động như vậy đã đang và sẽ còn diễn ra trên nhiều quốc gia, nếu các nền tảng kinh tế càng thâm nhập sâu vào đời sống kinh tế, trong khi các Chính phủ vẫn đang loay hoay với việc áp dụng hệ thống luật pháp cũ trên những hình thái kinh tế mới.
Việt Nam cũng không phải một ngoại lệ. Câu chuyện về cách thức ứng xử với taxi công nghệ bắt đầu từ năm 2014 và phải mất đến 6 năm cho đến khi Nghị định 10/2020 được ban hành và chính thức có hiệu lực từ 1/4 tới. Quy định này đến nay vẫn chưa hoàn toàn hết tranh cãi từ dư luận.
Thực tế này cho thấy, việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý chuẩn thích nghi với kinh tế nền tảng số là vô cùng cần thiết. Hệ thống luật pháp điều hành các hoạt động kinh tế truyền thống đã không phù hợp để quản lý các nền tảng kinh tế số.
Đề cập đến khuôn khổ pháp lý cho kinh tế nền tảng số, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN nhận định, có 2 khía cạnh: khuôn khổ pháp lý cho các nền tảng và khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh, các nhân tố sử dụng, vận hành trên các nền tảng đó. Theo ông Vũ Tú Thành, cần tổ chức lại bộ máy quản lý Nhà nước là để đáp ứng với các nền tảng kinh tế mới, trong đó có nền tảng kinh tế số.
Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, kinh tế nền tảng số có thể hiệu quả nhưng Nhà nước vẫn cần phải có sự can thiệp, điều chỉnh. Đơn cử như câu chuyện giữa Grab và taxi truyền thống, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hợp lý để xử lý trường hợp này.
“Điều này cho thấy ý nghĩa của việc xây dựng một hành lang pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nay những phản ứng chính sách và hành lang pháp lý mà Việt Nam đưa ra vẫn chưa thực sự rõ ràng, theo lối mòn tư duy cũ, có thể tạo ra nhiều rủi ro về kinh tế.
Ông Vũ Tú Thành cũng đề xuất một hướng quản lý mới cho các nền tảng số đó là các cơ quan quản lý nhà nước nên quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch.
Với công nghệ hiện đại như hiện nay, các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể quản lý các giao dịch của doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số. Với số lượng các giao dịch đó sẽ tính toán tỷ lệ hưởng lợi của các bên tham gia, từ đó lấy cơ sở để tính thuế, phí và quy trách nghiệm cho các bên liên quan dựa trên tỷ lệ phần trăm hưởng lợi.
Ví dụ như việc kinh doanh của Grab, hiện công ty này đang giữ lại 28% doanh thu trên mỗi cuốc chạy xe của tài xế, người chủ xe được hưởng số còn lại là 72%. Do đó, khi tính thuế, phí hoặc khi xảy ra rủi ro, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia trách nghiệm cho chủ doanh nghiệp và tài xế dựa trên tỷ lệ phần trăm họ nhận được.
“Nếu quản lý các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng số theo giao dịch như vậy sẽ đảm bảo công bằng giữa các bên tham gia và không phụ thuộc vào vị trí địa lý của các doanh nghiệp”, ông Vũ Tú Thành nhận định.