Bất chấp dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam vẫn xuất siêu hơn 882 triệu USD trong nửa đầu tháng 3
Theo số liệu Tổng cục Hải quan vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 3/2020 đạt gần 11,18 tỷ USD, tăng hơn 16,4% so với cùng kỳ tháng trước, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 10,3 tỷ USD và tăng trên 6,9%. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 50,3 tỷ USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tương ứng đạt gần 47,6 tỷ USD và tăng 1,9%.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2020 (từ ngày 1/3 đến ngày 15/3) đạt 21,47 tỷ USD, tăng 11,7% so với nửa cuối tháng 2/2020. Lũy kế đến hết ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt 97,85 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Như vậy, tính riêng trong kỳ một của tháng 3, cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục thặng dư 880 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cán cân thương mại của Việt Nam thặng dư 2,74 tỷ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ một của tháng 3, Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu là 11,18 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ tháng trước. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 7,6 tỷ USD.
Lũy kế đến hết ngày 15/3, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 50,29 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 33,8 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam vẫn tiếp tục đạt giá trị lớn. Điển hình như: mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 2,66 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,57 tỷ USD; hàng dệt may đạt 1,18 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 804 triệu USD và giày dép các loại đạt 662 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 đạt 10,29 tỷ USD, tăng 6,9% so với nửa cuối tháng 2. Trong đó, qua nửa đầu tháng 3, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất ở các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Lũy kế đến hết ngày 15/3, giá trị nhập khẩu của Việt Nam đạt 47,55 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2020, Việt Nam duy trì xuất siêu trên 2,74 tỷ USD, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (xuất siêu gần 405 triệu USD).
Trên thực tế, hoạt động thương mại quốc tế vẫn đang theo lộ trình đạt mục tiêu tỷ lệ nhập siêu dưới 2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên mức tăng trưởng xuất khẩu từ đầu năm đến nay báo hiệu chậm hơn so với chỉ tiêu tăng 7-8% Chính phủ đặt ra cho năm nay.
Nhận định về điều này, theo các chuyên gia kinh tế, thách thức đối với hoạt động ngoại thương của Việt Nam từ đầu năm đến nay chủ yếu đến từ tác động của đại dich toàn cầu Covid-19.
Trong thời gian tới, thời gian ngừng giao dịch tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do tác động của dịch bệnh; giao thương đình trệ; chuỗi cung ứng bị chia cắt; dịch chuyển lao động và chuyên gia bị ảnh hưởng, việc tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh… sẽ là những khó khăn lớn đối với hoạt động thương mại của Việt Nam.