Dịch vụ tài chính đối mặt với thách thức hội nhập
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không chỉ tập trung vào tự do hóa đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa mà còn mở rộng đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó có các ngành dịch vụ tài chính.
Các nước TPP cam kết tuân thủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường dịch vụ theo cách tiếp cận chọn bỏ, ngoại trừ những lĩnh vực được đưa vào danh mục bảo lưu có chọn lọc. Việc thực thi Hiệp định này mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức lớn đối với ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam.
Thúc đẩy phát triển thị trường dịch vụ tài chính
Tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường tài chính thế giới. Các luồng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng sẽ tăng mạnh, tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và tiếp cận các nguồn vốn ủy thác trên thế giới với chi phí thấp hơn, do đó vị thế của Việt Nam sẽ cải thiện nhiều sau khi gia nhập TPP.
Không chỉ vậy, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thu hút thêm dòng vốn nước ngoài vào ngành dịch vụ tài chính - một ngành cần vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành cao. Việc tham gia sâu rộng của nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực quản trị và tài chính cho các ngân hàng trong nước.
Việc tăng cường sự có mặt của các thể chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam sẽ đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết. Cùng với đó,Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài, công nghệ, kỹ năng quản trị, đây sẽ là động lực quan trọng để phát triển nếu tận dụng hiệu quả.
Các cam kết trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy các cơ hội đầu tư, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở Việt Nam. Hơn nữa, các cam kết mở cửa thị trường bảo hiểm trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó có TPP đã, đang và sẽ góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn có mức độ bảo hộ cao như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
Cạnh tranh không cân sức
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dịch vụ tài chính Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt không ít thách thức. Với việc Việt Nam chính thức tham gia TPP, sẽ có nhiều tập đoàn, ngân hàng lớn của 11 quốc gia trong khối TPP có dịch vụ tài chính ngân hàng phát triển nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản... sẽ tham gia thị trường. Nếu không có chiến lược kinh doanh hợp lý, các ngân hàng trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, không cân sức.
Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, việc dần xóa bỏ các điều kiện thị trường lại trở thành thách thức do hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều hạn chế, tiếp cận dịch vụ ngân hàng tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Điều này làm tăng cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Khối ngân hàng nước ngoài còn có khả năng thu hút khách hàng là các doanh nghiệp địa phương dựa vào uy tín thương hiệu trên thị trường cũng như sức mạnh tài chính mà các ngân hàng trong nước không dễ cạnh tranh được.
Nhiều thành viên của TPP là những nước có thị trường tài chính, ngân hàng rất phát triển (Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po), hoặc đã mở cửa đáng kể cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài (Niu Di-lân), hoặc là lợi ích sẽ không bị tác động bởi việc mở cửa thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng (Bru-nây), sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng Việt Nam thời gian tới.
Việc tham gia TPP cũng khiến Việt Nam có thể đối diện với nhiều bất ổn tiềm tàng. Rủi ro từ việc phụ thuộc vốn ngoại sẽ tăng lên cho nền kinh tế Việt Nam. Với tỷ lệ nợ nước ngoài ngày một tăng lên, cộng với tầm quan trọng của tỷ trọng FDI trên cán cân thanh toán và sự mở cửa hơn nữa của thị trường chứng khoán Việt Nam, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào vốn ngoại.
Trong bối cảnh đó, khi thị trường tài chính toàn cầu gặp những cú sốc lớn khiến dòng vốn quốc tế biến động mạnh, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng dễ tổn thương. Một cú sốc khiến vốn ngoại ngưng vào hoặc chảy ra sẽ tác động khó lường tới sức ép phá giá ngoại tệ và sự ổn định của hệ thống tài chính. Sức ép bị thâu tóm và chi phối có thể tăng mạnh đối với lĩnh vực ngân hàng.
Nguy cơ không cạnh tranh được, mất thị trường vào tay các ngân hàng nước ngoài, điều đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong hoạt động quản lý nhà nước đối với thị trường. Đó là hiện tượng chuyển giá sẽ ngày càng gia tăng và khó có thể quản lý vì các ngân hàng nước ngoài thường đi theo các doanh nghiệp nước họ khi đầu tư ra nước ngoài. Sẽ rất khó khăn cho Việt Nam trong đối phó các vấn đề tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài như chuyển giá, bất ổn về an ninh tiền tệ, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
TPP sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư gián tiếp luân chuyển giữa các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, sự gia tăng dòng vốn, nhất là từ nước ngoài vào cũng làm gia tăng nguy cơ về bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột có thể sẽ gây mất ổn định cho quốc gia nhận vốn.
Một hạn chế nữa là vấn đề quản trị rủi ro tại các ngân hàng Việt Nam còn nhiều bất cập và nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng gia tăng. Một số ngân hàng có năng lực quản lý yếu kém, vi phạm các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn hơn.
Việc thực thi các cam kết theo TPP trong thời gian tới là cơ hội đối với Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ tài chính nói riêng, nếu tận dụng được các lợi thế do TPP mang lại. Song, đó cũng có thể trở thành những thách thức lớn nếu không tận dụng hiệu quả, nhất là sau khi gia nhập WTO và các FTA đang thực hiện đã thể hiện rõ những thua thiệt của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như thị trường trong nước rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, tăng trưởng GDP chủ yếu do các doanh nghiệp FDI, hiện tượng chuyển giá và gian lận thương mại diễn ra phổ biến gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Ngành dịch vụ tài chính, huyết mạch của nền kinh tế cần phải cẩn trọng, có sự chuẩn bị nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội và ngăn ngừa những rủi ro trong thời gian tới.