“Điểm đến” của đô thị thông minh: Xanh và bền vững
Phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho quá trình đô thị hóa nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Tường Văn, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản Quốc tế IREC 2018 “Việt Nam - Thế giới của cơ hội”, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 6/9.
Sau hơn 30 năm Đổi mới kinh tế, hệ thống đô thị Việt Nam đã và đang phát triển cả về lượng và chất. Cả nước đã có trên 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 37,5% (năm 2017). Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước.
Theo TS. Nguyễn Tường Văn, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, được phát triển mở rộng về qui mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước. Khu vực đô thị luôn chiếm tỷ lệ chi phối trong tổng GDP.
Bên cạnh những thành tựu và kết quả đã đạt được, hệ thống đô thị nói chung và thị trường bất động sản nói riêng hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề còn tồn tại. Những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ sôi động chủ yếu tại các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
TS Văn cho rằng: Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tạo ra những đột phá trong nâng cao chất lượng phát triển đô thị đặc biệt là những vấn đề về nhà ở và hệ thống hạ tầng
Tại các đô thị vừa và nhỏ sức hút về di dân nhập cư không cao, hoạt động kinh doanh bất động sản còn thiếu hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu là do các đô thị vừa và nhỏ tiềm năng phát triển chưa nhiều do thiếu kết nối liên vùng, ít cơ hội việc làm và điều kiện cơ sở hạ tầng trong đô thị còn khó khăn.
TS. Nguyễn Tường Văn cho rằng, từ những nguyên nhân kể trên đã dẫn đến hệ quả là: Sự lệch pha về cung – cẩu trong thị trường bất động sản của các đô thị lớn, mất căn bằng giữa các vùng trong cả nước và giữa các đô thị trong hệ thống; các đô thị nhỏ không phát huy được vai trò, chức năng trong hệ thống đô thị và chia sẻ áp lực với các đô thị lớn.
Cần có định hướng cụ thể cho đô thị thông minh
Trước thực trạng đó, TS. Nguyễn Tường Văn cho rằng, cần có định hướng phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Trong xu thế toàn cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, phát triển đô thị thông minh đã và đang trở thành mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới bởi những lợi ích cụ thể trong việc cải thiện hiệu lực, hiệu quả quản trị đô thị cũng như nâng cao chất lượng của các đô thị.
Với vai trò quan trọng ngày càng tăng của các đô thị trong nền kinh tế toàn cầu, sự gia tăng cạnh tranh trong thu hút nguồn lực phát triển, cũng như yêu cầu hợp tác nỗ lực chung ứng phó với biến đổi khí hậu, việc áp dụng đô thị thông minh đang được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của các nước trên thế giới và trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp và các thành phần kinh tế trong xã hội đã có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức nghiên cứu, khai thác, ứng dụng phát triển đô thị thông minh ở nhiều cấp độ khác nhau, đặc biệt là trong những năm gần đây.
Theo TS. Nguyễn Tường Văn, với mục tiêu phát triển đô thị thông minh Việt Nam một cách thống nhất, ngày 01/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 tầm nhìn 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg với quan điểm:
Thứ nhất thành phố thông minh phát triển phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật và các định hướng chiến lược phát triển.
Thứ hai đó là thành phố sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý.
Trong thành phố đó, còn người dân được lấy làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý.
Thành phố thông minh phải được ứng dụng các công nghệ hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tính trung lập về công nghệ, có khả năng tương thích với nhiều nền tảng, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
Một điểm không thể thiếu trong thành phố thông minh là khuyến khích sự tham gia đầu tư, xã hội hóa phát triển đô thị thông minh trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí và rủi ro, hài hòa lợi ích của các bên, hài hòa giữa yêu cầu phát triển dài hạn của đô thị với nhu cầu bức thiết của người dân, đảm bảo hiệu quả đầu tư ngắn hạn và dài hạn, không phát triển tự phát, tràn lan, theo phong trào. Và cuối cùng, hướng phát triển thành phố thông minh là cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị.
Cùng với đó, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam cũng đã xác định các mục tiêu, kế hoạch hành động cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm phát triển hệ thống đô thị Việt Nam gồm: Thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh; Khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống; Nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
TS. Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo ra những cơ hội mới cho quá trình đô thị hóa nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Để nắm bắt được cơ hội này cần phải có những điều chỉnh kịp thời từ chính sách quản lý phát triển đô thị, quản lý thị trường bất động sản, đầu tư, xây dựng, tài chính để thúc đẩy tính năng động và cạnh tranh của thị trường bất động sản.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tạo ra những đột phá trong nâng cao chất lượng phát triển đô thị đặc biệt là những vấn đề về nhà ở và hệ thống hạ tầng, dịch vụ thiết yếu, cải thiện chất lượng môi trường tự nhiên, xây dựng môi trường xã hội hướng đến con người là trung tâm của sự phát triển.
Trong thời gian qua và cả trong những năm tiếp theo, phát triển thị trường bất động sản vẫn luôn giữ vai trò dẫn dắt tạo nhu cầu cho sự phát triển của hệ thống hạ tầng đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Do đó, áp dụng các giải pháp phát triển đô thị thông minh hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ tạo điều kiện để từng bước minh bạch hóa môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động và đảm bảo đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững thị trường bất động sản Việt Nam.