“Doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng cùng Việt Nam phát triển các thành phố thông minh“
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink, cho biết doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng cùng với Việt Nam phát triển thành phố thông minh. Ông cũng bày tỏ niềm tin sẽ có môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.
Hội nghị Bất động sản quốc tế IREC 2018 khai mạc sáng ngày 6/9 tại Hà Nội. “Đây là hoạt động thuận lợi cho kết nối, xúc tiến đầu tư, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá tiềm năng bất động sản Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu ý kiến ngay trong bài phát biểu mở đầu.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong tạo lập các yếu tố nền tảng. Thị trường bất động sản Việt Nam ngày càng phát triển minh bạch, hiệu quả, cơ cấu hàng hóa hợp lý, có nhiều ví dụ về thành công trong phát triển đô thị, hạ tầng công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, nhà ở cho người thu nhập thấp…
“Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo lập hành lang pháp lý để người nước ngoài mua, sở hữu nhà Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài tham gia”, ông Phạm Hồng Hà nói. Đến nay, Việt Nam thu hút hơn 25.500 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 320 tỷ USD đến từ 126 quốc gia, trong đó bất động sản là lĩnh vực có sức hút đặc biệt, xếp thứ 2 chỉ sau công nghiệp chế biến chế tạo.
Ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, chia sẻ những quan tâm cũng như hoạt động của chính những doanh nghiệp Mỹ về bất động sản Việt Nam. Theo đại sứ, đầu tư vào bất động sản là quá trình dài hạn, cần có những trao đổi để giải quyết thách thức, tìm nguồn tài chính để có thể phát triển, đồng thời cùng tập trung phát triển các thành phố thông minh ở Việt Nam.
“Vấn đề lợi ích giữa các bên là quan trọng, là nền tảng đảm bảo quyền với các tài sản bất động sản”, đại sứ Mỹ tại Việt Nam đề cập đến sân chơi bình đằng, quy định minh bạch trong văn bản, chính sách, luật định. Ông cũng bày tỏ niềm tin Việt Nam sẽ tạo ra môi trường thuận lợi. Đại sứ quán và doanh nghiệp Mỹ sẵn sàng chung tay biến điều này thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, điểm lại những mốc phát triển quan trọng của thị trường bất động sản từ năm 2006 đến nay với những thăng, trầm theo từng giai đoạn.
Cả nước hiện nay có 813 đô thị. Tỷ lệ tăng dân số đô thị trung bình hàng năm 2 - 3,4%. 46,6% hộ dân sống trong nhà kiên cố, 43,7% sống trong nhà bán kiên cố, 5,9% hộ có nhà thiếu kiên cố và 3,7% có nhà đơn sơ. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đến tháng 6/2018 là 23,7 m2/người. Mức này đã tăng đáng kể so với mức bình quân năm 1999 là 9,7 m2/người.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường cũng đã dần hoàn thiện. Luật Nhà ở 2014 có nhiều điểm mới.
Đó là việc điều chỉnh, bổ sung các quy định để phát triển đa dạng và hài hoà các loại hình nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng nhóm đối tượng người dân trong xã hội, đặc biệt là chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp. Điểm mới thứ hai là nới lỏng điều kiện cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở Việt Nam.
Với luật này thì phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp FDI được mở rộng với 6 hình thức từ thuê để cho thuê lại đến đầu tư nhà ở trên đất được Nhà nước cho thuê…
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội - cho rằng Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian tới, ngoài phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông, hạ tầng, xây dựng thêm nhiều đô thị mới, Hà Nội còn đẩy mạnh tái thiết, cải cách, chỉnh trang khu vực nội đô và mở rộng ra các khu vực phát triển mới của thủ đô theo hướng bền vững, trở thành thành phố đáng sống trên thế giới.
“Hà Nội sẽ cần rất nhiều nguồn lực và kinh nghiệm cho đầu tư phát triển và chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ thu hút các nhà đầu tư BĐS trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Thế Hùng phát biểu.
Nhu cầu về văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và công trình thương mại cũng đang tăng nhanh, nhất là nhu cầu về căn hộ cho thuê, khách sạn 3-5 sao tại các đô thị lớn.
Về khu kinh tế, khu công nghiệp và khu công nghệ cao: Đến hết tháng 6/2018, cả nước có 325 khu công nghiệp tổng diện tích 95 nghìn ha, 231 khu đã đi vào hoạt động với 2,8 triệu công nhân. Đến năm 2020, cả nước quy hoạch diện tích các khu công nghiệp với diện tích đất dự kiến khoảng 200.000 ha.