Điểm hẹn Việt Nam
(Tài chính) Phòng họp Ho (Phượng Hoàng) rộng gần 240 m2 của khách sạn New Otani (Tokyo, Nhật Bản) sáng ngày 25/4 chật kín người. Các khách mời Nhật Bản nườm nượp đến ghi tên tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp có tiêu đề “Việt Nam – điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản”. Và họ đã ra về trong hồ hởi.
Họ, những cái tên lớn trong ngành tài chính Nhật Bản và thế giới như Nomura, Sumitomo, Daiwa, Mitsubishi, Mizuho, JP Morgan, Resona, SBI, Aizawa.. hồ hởi vì đã tìm được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi của họ đặt ra trước một ban chủ tọa gồm các lãnh đạo chủ chốt trong lĩnh vực tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, quá trình điểm tựa để họ mua cổ phần, trở thành nhà đầu tư chiến lược, hợp tác cùng có lợi với Việt Nam.
Họ được nghe phát biểu khai mạc khái quát tình hình kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán của chính tư lệnh ngành tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng; được nghe chia sẻ bộc bạch về quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam gắn liền với việc giảm sâu số lượng doanh nghiệp nhà nước, từ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Đổi mới Doanh nghiệp Nhà nước Phạm Viết Muôn; được giải đáp những tâm tư băn khoăn khi còn lưỡng lự về việc đầu tư, với người đứng đầu cơ quan quản lý chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, cho đến nay, Nhật Bản là quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lên đến 35,4 tỷ USD. Thương mại 2 chiều giữa Việt Nam – Nhật Bản năm 2013 đạt 25,3 tỷ USD. Đặc biệt trong 20 năm qua, Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ vốn vay ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn, trong đó có các tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản đã có sự hiện diện tại Việt Nam. Những sự kiện và con số đó cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đã rất quan tâm, đóng góp và có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế và tài chính Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam ghi nhận và đánh giá rất cao vai trò và sự hiện diện của các tập đoàn tài chính, các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, và tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư của xứ sở mặt trời mọc đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục điểm tô thêm cho bức tranh phục hồi của kinh tế Việt Nam. Triển vọng kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường tài chính trong những năm tới của Việt Nam rất đáng khích lệ. Quý I/2014 cho thấy những tín hiệu tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Việc Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất quá trình đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội hợp tác và đầu tư trong thời gian tới. Những tín hiệu đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đang là nhân tố rất tích cực: trong 3 tháng đầu năm 2014, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thuần bằng 80% so với cả năm 2013, dự trữ ngoại tệ trong 3 tháng đầu năm 2014 tăng 7 tỷ USD, vấn đề xử lý nợ và cải thiện thị trường bất động sản đã đạt được những kết quả bước đầu.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn dí dỏm “tiết lộ cho mọi người một bí mật mà tất cả đều biết”: trước đây, khi chưa có nền kinh tế thị trường, ở Việt Nam chỉ có kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Sau khi đất nước đổi mới, với 5 thành phần kinh tế, công tác sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước ngày càng được đẩy mạnh. Con số 12.000 doanh nghiệp nhà nước của những năm 1990 đã giảm chỉ còn 5655 vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. Và đến nay, chỉ còn 949 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Mục tiêu đặt ra đến năm 2015 là chỉ giữ lại 488 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Ông Muôn khẳng định thông điệp của Chính phủ Việt Nam gửi đến xã hội, gửi đến các nhà đầu tư là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong hai năm tới sẽ rất thực chất, rất hiệu quả, để đổi mới mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước. Cơ chế chính sách cũng sẽ tiếp tục sửa đổi cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế, với nhiều cơ hội lớn đang mở ra cho các nhà đầu tư. Cụ thể, từ nay đến cuối năm là kế hoạch cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may (Vinatex), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Mobifone... với giá trị hàng tỉ đô la. Còn mục tiêu đặt ra cho 2 năm tới là phải cổ phần hóa hơn 400 doanh nghiệp. Ông Muôn khuyến nghị các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, nắm lấy cơ hội này.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng đã giải đáp chính sách, trả lời nhiều câu hỏi về thị trường chứng khoán Việt Nam được nhà đầu tư nước ngoài nói chung, nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng, quan tâm. Chủ tịch cho biết: sự kiện xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản hướng đến 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, khẳng định thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ trong công cuộc cải cách thể chế, phát triển nền kinh tế Việt Nam ổn định, minh bạch và cam kết hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản trong các hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Thứ hai, sự kiện là cơ hội để lắng nghe nhà đầu tư Nhật Bản và làm rõ những vướng mắc về cơ chế, chính sách của nhà đầu tư trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, với sự tham gia Đoàn công tác của nhiều doanh nghiệp lớn sắp cổ phần hóa, sự kiện này nhằm kết nối các nhà đầu tư tiềm năng Nhật Bản, với các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa, tăng vốn, tìm nhà đầu tư chiến lược. Trả lời băn khoăn về việc trước nay nhà đầu tư nước ngoài không được đặt lệnh mua và bán trong cùng một phiên, phần nào ảnh hưởng đến tính thanh khoản và sự sôi động của thị trường, cũng như sự hăng hái tham gia của nhà đầu tư Nhật Bản, Chủ tịch Vũ Bằng đã thông báo một quyết định mới được ban hành, theo đó nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản tại công ty chứng khoán nước ngoài được phép sử dụng tài khoản môi giới tổng để mua bán chứng khoán trong phiên giao dịch. Giải đáp của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được cử tọa Nhật Bản đón nhận một cách rất phấn khởi, bởi họ thấy những quan tâm của họ đã được cơ quan quản lý lắng nghe và xử lý hợp lý theo tình hình phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau phiên đối thoại chính sách vào buổi sáng, được các đại biểu Nhật Bản đánh giá là cơ hội quý báu để trao đổi trực tiếp với những người nắm trọng trách cao nhất trong ngành tài chính-chứng khoán, các đại biểu lại sôi nổi tham gia vào phiên trao đổi giữa các doanh nghiệp vào buổi chiều, với sự điều khiển của “người Việt gốc Anh” Đô-mi-ních Xcri-vân, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư Dragon Capital. Là một chuyên gia đầy hiểu biết về Việt Nam, làu thông tiếng Việt, ông Xcri-vân vừa điều phối chương trình vừa có những tư vấn cho cả hai phía. Phía Việt Nam là các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các tập đoàn/doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã và đang trong tiến trình cổ phần hóa như Vietnam Airlines, Vinatex…..
Phía Nhật Bản là các công ty chứng khoán Nhật Bản, tổ chức, ngân hàng đầu tư của Nhật, Viện Nghiên cứu Nomura (NRI)…. Các công ty chứng khoán VN chia sẻ về việc hỗ trợ nhà đầu tư Nhật Bản tham gia trên thị trường chứng khoán, các thuận lợi và khó khăn, còn các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư thì chia sẻ về quá trình tiếp cận với thị trường chứng khoán Việt Nam, những mong muốn hợp tác với đối tác Việt Nam. Dường như thời gian của hội thảo là chưa đủ, sau khi kết thúc, các đại biểu hai nước vẫn nán lại trao đổi với nhau. Họ ra về với những nụ cười, có lẽ thấy mình may mắn vì kịp đăng ký tham dự sớm, bởi nhiều đơn vị và cá nhân khác đã không thể tham gia do ban tổ chức nhận thấy khán phòng đã kín chỗ.