Điểm lại các chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 3/2023

Việt Hoàng

Tháng 3/2023 là thời điểm nhiều chính sách quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tế - tài chính chính thức có hiệu lực.

Nhiều chính sách kinh tế - tài chính có hiệu lực từ tháng 3/2023
Nhiều chính sách kinh tế - tài chính có hiệu lực từ tháng 3/2023

Hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 19/3/2023.

Thông tư 04/2023/TT-BTC quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. 

Mời xem nội dung Thông tư số 04/2023/TT-BTC tại đây: Thông tư số 04/2023/TT-BTC

Bãi bỏ Thông tư hướng dẫn về Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường

Thông tư số 08/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/3/2023 và bãi bỏ Thông tư 86/2016/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015.

Số dư Quỹ dự phòng rủi ro, bồi thường thiệt hại về môi trường đã trích lập nhưng chưa sử dụng hết kể từ ngày 24/03/2023 được hạch toán vào thu nhập khác của năm tài chính hiện hành. Kế toán doanh nghiệp thực hiện như sau:

Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả

Có TK 711- Thu nhập khác

Mời xem nội dung Thông tư số 08/2023/TT-BTC tại đây: Thông tư số 08/2023/TT-BTC

Cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi Thông tư số 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có hiệu lực từ ngày 27/3/2023.

Thông tư quy định mức tạm ứng: Đối với khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của VCCI và các bên liên quan. VCCI được tạm ứng kinh phí một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng, nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị phần NSNN hỗ trợ ghi trong hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán NSNN hỗ trợ của năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.

Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng, mức tạm ứng từ NSNN theo đề nghị của VCCI và trong phạm vi dự toán NSNN được giao. VCCI chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo quy định.

VCCI phải thực hiện thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch ngay sau khi khoản chi tạm ứng đã hoàn thành có đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán. Kiểm soát thanh toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí khác thuộc nguồn vốn NSNN thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan...

Mời xem nội dung Thông tư số 10/2023/TT-BTC tại đây: Thông tư số 10/2023/TT-BTC

Bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính

Thông tư số 11/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực tài chính có hiệu lực từ ngày 31/3/2023.

Theo Thông tư số 11/2023/TT-BTC, cơ cấu Hội đồng quản lý gồm: Đại diện cơ quan quản lý cấp trên của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có); người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập; đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.

Số lượng thành viên Hội đồng quản lý từ 05 đến 11 người, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên Hội đồng quản lý. Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ, Hội đồng quản lý có thể có Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý. Số lượng, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý của từng đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định.

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 năm.

Mời xem nội dung Thông tư số 11/2023/TT-BTC tại đây: Thông tư số 11/2023/TT-BTC