Các chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2023
Trong tháng 2/2023, nhiều chính sách tài chính bắt đầu có hiệu lực thi hành, điển hình như bắt đầu áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến; thực hiện mức chi thực hiện biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hỗ trợ kinh phí cho người trồng lúa...
Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến
Thông tư số 75/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực từ ngày 5/2/2023. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
Theo đó, mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.
Một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký gồm trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…
Mời xem nội dung Thông tư số 75/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 75/2022/TT-BTC
Mức chi thực hiện biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thông tư số 82/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định nội dung và mức chi từ NSNN thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2023.
Theo Thông tư, NSNN chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể và xác định tình trạng nghiện ma túy cho các đối tượng theo quy định của Luật Phòng chống ma túy; theo khoản 1 Điều 18 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP và theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế: Mức chi xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể căn cứ vào hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mức chi xét nghiệm tình trạng nghiện ma túy theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi chuyển giao đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội gồm: Chi hỗ trợ cho đối tượng trong thời gian đi đường: Tiền ăn 70.000 đồng/ngày/người, tối đa không quá 03 ngày; tiền thuê phòng nghỉ (nếu có) theo mức quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Chi tiền tàu xe hoặc thuê phương tiện vận chuyển đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở bảo trợ xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương.
Về công tác phí cho người được giao nhiệm vụ chuyển giao đối tượng, nội dung chi và mức chi được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.
Mức chi chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm của người chưa thành niên tại cơ sở bảo trợ xã hội được áp dụng nội dung và mức chi của đối tượng bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của địa phương.
Mời xem nội dung Thông tư số 82/2022/TT-BTC tại đây: Thông tư số 82/2022/TT-BTC
Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí
Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023, Thông tư số 02/2023/TT-BTC ngày 6/1/2023 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Theo đó, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện hỗ trợ cho người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm: Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; Cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại; tôn cao đất trồng lúa trũng, thấp; tăng độ bằng phẳng mặt ruộng; Thau chua, rửa mặn đối với đất nhiễm phèn, mặn và các biện pháp cải tạo đất khác; Đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông, thủy lợi trên đất trồng lúa; Khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại...
Mời xem nội dung Thông tư số 02/2023/TT-BTC tại đây: Thông tư số 02/2023/TT-BTC