Điểm lại chính sách tài chính nổi bật có hiệu lực trong tháng 2/2022

Việt Dũng (T/h)

Nhiều chính sách mới chính thức có hiệu lực từ tháng 02/2022, trong đó đáng chú ý như: quy định của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8% từ ngày 01/02/2022; chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng; quy định kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giảm thuế GTGT xuống 8% từ ngày 01/02/2022

Nghị định số 15/2022/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 28/01/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15, trong đó có hướng dẫn giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022.

Theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, mức giảm thuế GTGT áp dụng đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ theo quy định; Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo quy định.

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT. Cụ thể là:

– Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

– Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

– Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định trên được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuếGTGT.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản 5,7 triệu đồng/lần

Có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư số 284/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016, Thông tư số 112/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.

Theo đó, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (Thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu): Mức thu là 470.000 đồng/ lần/sản phẩm. 

Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (Thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất): Mức thu bằng 5,7 triệu đồng/lần.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 112/2021/TT-BTC 

Sửa đổi quy định sử dụng và quyết toán kinh phí NSNN cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Có hiệu lực thi hành từ ngày 07/2/2022, Thông tư số 115/2021/TT-BTC Bộ Tài chính ban hành ngày 21/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2018/TT-BTC ngày 13/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Theo đó, mức chi tham gia cuộc họp của Tổ công tác liên ngành được áp dụng theo quy định tại điểm c Khoản 8 Điều 4 Thông tư số 13/2018/TT-BTC ngày 06/12/2018 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí NSNN bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế và Thông tư sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có). Kinh phí thực hiện bố trí trong kinh phí chi thường xuyên theo biên chế được giao tự chủ của cơ quan chủ trì.

Đối với công tác phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, khi nhận được thư khiếu nại và yêu cầu tham vấn hoặc thông báo ý định khởi kiện của nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 3 Điều 2 và Điều 5 Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 14/2020/QĐ-TTg ngày 08/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ xây dựng dự toán thực hiện gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Thông tư số 115/2021/TT-BTC

Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài

Nghị định số 121/2021/NĐ-CP Chính phủ ban hành ngày 27/12/2021 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2022 quy định rõ: Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng.

Theo đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền quy định của pháp luật về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng; Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo đúng quy định tại Nghị định này; Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng theo quy định của Nghị định này và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 121/2021/NĐ-CP

Quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định miễn tiền sử dụng đất cho người có công.

Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi Nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Bên cạnh đó, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP còn quy định giảm tiền sử dụng đất cho người có công.

Mời độc giả xem nội dung cụ thể tại đây: Nghị định số 131/2021/NĐ-CP