“Điểm mặt” một số chiêu “lạ” trong hoạt động rửa tiền

PV.

(Taichinh) - Các thủ đoạn tẩy rửa tiền ngày càng đa dạng, tinh vi và có tổ chức hơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng. Điều này khiến cho các giải pháp ứng phó và chế tài xử phạt của các quốc gia đối với hoạt động rửa tiền thường khó bắt kịp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), rửa tiền là toàn bộ những hoạt động được tiến hành nhằm cố ý hợp thức hóa những khoản tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội.

Công ước Vienna (1988) và Công ước Palermo (2000) của Liên hợp quốc định nghĩa một cách chi tiết hơn: “Rửa tiền là các hoạt động chuyển hoán hoặc chuyển nhượng tài sản khi biết tài sản đó có nguồn gốc từ các hành vi phạm tội, hoặc tham gia vào hành vi nhằm mục đích giấu giếm hoặc che đậy nguồn gốc phi pháp của tài sản hoặc tiếp tay cho bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hành vi này, hoặc giấu giếm che đậy bản chất thực, nguồn gốc, địa điểm, việc định đoạt, sự chuyển dịch, các quyền liên quan đến tài sản hoặc quyền sở hữu tài sản khi biết rằng tài sản đó có được từ hành vi phạm tội có được, chiếm hữu hoặc sử dụng tài sản khi tại thời điểm tiếp nhận nó đã biết rằng tài sản này có được từ hành vi phạm tội”.

Theo pháp luật Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có. Theo đó, hành vi rửa tiền bao gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó; Thực hiện một trong các hành vi nêu trên đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có; Thực hiện trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có; Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.

Thực tế cho thấy, những “chiêu trò” của tội phạm rửa tiền thường rất đa dạng, tinh vi và tiềm ẩn trong nhiều hoạt động kinh tế. Hiện nay, có một số cách thức khá phổ biến như: Rửa tiền qua các giao dịch đổi tiền mặt; Rửa tiền thông qua việc mua kim loại quý (như vàng, bạc, kim cương...); Rửa tiền thông qua đầu tư vào gửi tiết kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu; Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”...

Tuy nhiên, đây là những cách thức đã bị các cơ quan chức năng trên thế giới “bắt thóp” và không quá khó để nhận diện. Trước những món lợi khổng lồ từ hoạt động rửa tiền, những kẻ tội phạm vẫn luôn nghĩ ra các cách thức khác nhau để “qua mặt” các cơ quan chức năng. Có thể nhận diện thêm một số “chiêu thức” mới và "lạ", cụ thể:

Thứ nhất, lách luật. Những kẻ tội phạm luôn tìm mọi kẽ hở của pháp luật để “lách” cho dù luật đó được thiết kế công phu như thế nào. Ví dụ, đối với các giao dịch phải báo cáo, tại Việt Nam là 300 triệu đồng (theo Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo), hay như Hoa Kỳ là 10 nghìn USD, thì những kẻ tội phạm tìm cách chia nhỏ số tiền mặt và gửi vào các định chế tài chính để tránh bị báo cáo, bị nghi ngờ. Số tiền này sẽ được gửi vào các định chế tài chính hoặc mở nhiều tài khoản ở nhiều các định chế tài chính khác nhau và gửi số tiền dưới mức phải báo cáo hoặc có thể thuê những người khác gửi tiền mặt do phạm tội mà có vào tài khoản của họ sau đó chuyển khoản về tài khoản của tội phạm.

Thứ hai, bình phong và vỏ bọc. Theo đó, kẻ rửa tiền sẽ thành lập các công ty làm “bình phong” và công ty làm “vỏ bọc”. Tội phạm sử dụng các công ty này để trộn lẫn các nguồn tiền phi pháp với tiền hợp pháp của công ty hoặc sử dụng công ty để chuyển tiền qua lại với nhau nhằm tách số tiền có được từ hoạt động bất hợp pháp ra xa nơi chúng thực hiện hành vi phạm tội. Một khi hoạt động này được thực hiện trót lọt, các cơ quan thực thi pháp luật rất khó khăn trong việc dựng lại các giao dịch tài chính hoặc thu hồi tài sản phạm tội. Thông thường, công ty “bình phong” được lập ra hợp pháp, nhưng hoạt động không nhằm thực hiện các chức năng vốn có mà nhằm mục đích rửa các nguồn tiền bất chính. Trong khi đó, Công ty “vỏ bọc” lại được thành lập hợp pháp tại một quốc gia nhưng hoạt động chính của chúng lại được tiến hành tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác.

Thứ ba, lợi dụng người hiểu luật. Luật sư và kế toán cũng luôn nằm trong “tầm ngắm” của bọn tội phạm rửa tiền vì sự am hiểu luật quá sâu của đối tượng này. Theo đó, tội phạm rửa tiền thường lợi dụng luật sư và kế toán vào các việc như thành lập các công ty bình phong, vỏ bọc; mua và bán tài sản; thực hiện các giao dịch tài chính; lập kế hoạch và tư vấn thuế; thực hiện vai trò trung gian giới thiệu tới các định chế tài chính hoặc bạn bè đồng nghiệp; cung cấp các Giám đốc và nhà quản lý…

Thứ tư, mua chuộc và hối lộ. Tội phạm rửa tiền sẽ lợi dụng tâm lí hám tiền của các cán bộ liên quan để tìm cách mua chuộc, hối lộ để thực hiện các hành vi rửa tiền của mình một cách thuận lợi, theo kiểu “tay trong”. Theo đó, thông thường tội phạm tập trung vào các cán bộ, nhân viên của các định chế tài chính để thực hiện những giao dịch tiền mặt lớn nhưng không báo cáo theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu các nhân viên này giúp đỡ tội phạm lập các tài khoản ngân hàng với tên giả hoặc các chứng từ giả để chuyển tiền qua ngân hàng.