Góp sức vào nỗ lực phòng chống rửa tiền trên toàn cầu

PV.

(Taichinh) - Trong những năm qua, cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình qua nỗ lực phòng chống rửa tiền, góp phần quan trọng triệt tiêu các nguồn “tiền bẩn”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vấn nạn toàn cầu

Lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí Mỹ vào năm 1973 trong vụ bê bối Watergate nhưng phải đợi 5 năm sau đó thuật ngữ "rửa tiền" mới chính thức được sử dụng trong một số văn bản pháp lý của tòa án Mỹ. Từ đó trở đi thuật ngữ này trở nên phổ biến hơn khi người ta không còn xa lạ gì với các vụ án rửa tiền lớn được phanh phui.

Chẳng hạn, trong năm 2012 - 2013, Hoa Kỳ đã phát hiện và truy tố một vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử nước này, tổng số tiền phi pháp lên đến 6 tỉ USD, gồm tiền buôn ma túy, thu nhập từ hoạt động mại dâm trẻ em, ăn cắp thẻ tín dụng và các tội ác khác trên toàn thế giới. Tâm điểm của vụ việc là Liberty Reserve, một công ty chuyên chuyển ngoại hối và thực hiện dịch vụ thanh toán có trụ sở tại Costa Rica. Thống kê cho thấy, trong vòng khoảng 7 năm, Liberty Reserve đã xử lý 55 triệu giao dịch bất hợp pháp trên toàn thế giới cho 1 triệu người, bao gồm 200.000 người ở Mỹ. Tại Việt Nam, các cơ quan an ninh cũng đã nhanh chóng vào cuộc và bóc dỡ đường dây rửa tiền toàn cầu này.

Tại Canada, cách đây vài năm, cảnh sát phát hiện một trùm buôn bán ma túy đã rửa tiền 100 triệu USD thành công trong suốt 6 năm tại một chi nhánh ngân hàng tư nhân đặt tại thành phố Nassau. Các khoản tiền này được chuyển tiếp đến chi nhánh Ngân hàng đảo Cayman rồi về chi nhánh ngân hàngNew York. Tại đây, chúng bị xé lẻ và chui vào túi các công ty “ma” được sở hữu bởi nhiều cá nhân trên khắp nước Mỹ. Cơ quan điều tra cho biết, hàng tỷ USD buôn bán ma túy đã được “làm sạch” qua các con đường lòng vòng từ hoạt động buôn lậu để chuyển thành các khoản đầu tư vào nhà đất và trái phiếu…

Tất nhiên, rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà ngay cả các quốc gia đang trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế cũng không tránh khỏi. Đặc biệt khi các thị trường mới nổi mở cửa nền kinh tế và lĩnh vực tài chính thì càng dễ dàngtrở thành mục tiêu của các hoạt động rửa tiền, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong đó vụ Liberty Reserve như vừa đề cập là một minh chứng.

Hậu quả khôn lường

Rửa tiền hiện đang ảnh hưởng đến từng chủ thể trong nền kinh tế và trở nên mối lo ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Những hoạt động phi pháp này đã, đang và sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, khôn lường cho nền kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng.

Thông thường, nguồn tiền cho hoạt động phi pháp này là các nguồn “tiền bẩn” từ các hoạt động như buôn lậu ma túy, vũ khí, mại dâm; Tiền tham nhũng, nhận hối lộ của các nhà lãnh đạo quốc gia, các quan chức địa phương; Tiền có được do mua bán nội gián trên thị trường chứng khoán, mua bán lòng vòng; Tiền giả…

Bằng những thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tìm cách hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm của mình - những đồng tiền bất chính thành những đồng tiền “sạch”. Rửa tiền không chỉ giúp cho tội phạm che giấu được nguồn gốc của những khoản tiền bất hợp pháp mà còn tạo ra cơ sở cho chúng hưởng thụ và sử dụng những đồng tiền đã được tẩy rửa để phục vụ cho những hoạt động tội phạm khác.

Theo các chuyên gia kinh tế, với “nguồn gốc bẩn” như vậy, rửa tiền gây ra hậu quả kinh tế - xã hội nghiêm trọng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và uy tín quốc tế của quốc gia, làm suy yếu nền kinh tế, cũng như cải tổ nền kinh tế. Rửa tiền có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia.

Đối với nền kinh tế vĩ mô, rửa tiền cũng có những ảnh hưởng tai hại như: Gây ra những đột biến trong cầu tiền tệ và bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái; Giảm tính hiệu quả của các công cụ tiền tệ của chính phủ, kích thích các hành vi tội phạm kinh tế như trốn thuế, thâm ô, mua bán nội gián, gian lận thương mại, tăng tính bất ổn của nền kinh tế; Làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị trường; Ảnh hưởng nguy hại đến hệ thống ngân hàng...

Việt Nam và cuộc chiến chống rửa tiền

Nhận thức được điều này, trong những năm qua, cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam thể hiện trách nhiệm của mình qua nỗ lực phòng chống rửa tiền, góp phần quan trọng triệt tiêu các nguồn “tiền bẩn”.

Cụ thể, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm ngăn chặn vấn nạn này. Theo đó, Việt Nam có Luật phòng, chống rửa tiền (được Quốc hội ban hành ngày 18/6/2012); Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền...

Mới đây nhất, ngày 25/11/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch là xây dựng một cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố có hiệu quả ở Việt Nam; thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với các tổ chức quốc tế về việc xây dựng cơ chế phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT) của Việt Nam và thực hiện nghĩa vụ thành viên của Việt Nam trong Nhóm Châu Á–Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG); tham gia chương trình phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, Kế hoạch này cũng nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của quốc gia, tổ chức và cá nhân cũng như góp phần chống tội phạm và tham nhũng; tăng cường sự ổn định của các tổ chức tài chính, kích thích tăng trưởng kinh tế; khẳng định lập trường và cam kết chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố nhằm phấn đấu vì nền hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước định kỳ 5 năm tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền; Chủ trì, trình Chính phủ ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về đánh giá rủi ro về tài trợ khủng bố; Tăng cường năng lực cho Cơ quan phòng, chống rửa tiền; Thực hiện kết nối thông tin khai báo, chuyển tiền qua biên giới từ Tổng cục Hải quan đến Cơ quan phòng, chống rửa tiền… Định kỳ 5 năm, Bộ Công an chủ trì tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về tài trợ khủng bố. Ngoài ra, Bộ Công an cũng chủ trì, trình Chính phủ ban hành cơ chế phối hợp cung cấp thông tin về đánh giá rủi ro về tài trợ khủng bố; xây dựng, ban hành văn bản thiết lập quy trình quản lý, xử lý tài sản phạm tội và tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước Vienna, Palermo và Công ước quốc tế về trừng trị việc tài trợ khủng bố năm 1999…

Đối với việc rửa tiền và tịch thu tài sản, trước tháng 12/2015, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tư pháp phải phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250) và tội rửa tiền (Điều 251) trong lần sửa đổi Bộ luật Hình sự vào năm 2015 phù hợp với các Công ước và chuẩn mực quốc tế có liên quan…

Đối với việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa cho khu vực tài chính và phi tài chính được chỉ định, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật phòng, chống rửa tiền đối với các quy định về nhận dạng, cập nhật thông tin khách hàng; đánh giá rủi ro khách hàng; tiết lộ bí mật thông tin; thỏa thuận pháp lý; người có ảnh hưởng chính trị (bao gồm cả cá nhân có ảnh hưởng chính trị trong nước)... phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hoàn thành trước tháng 12/2018.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan đến chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố khi áp dụng sản phẩm công nghệ mới hoặc sản phẩm cũ nhưng áp dụng công nghệ mới. Giao cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng các biện pháp nhận biết, cập nhật, thông tin khách hàng tăng cường đối với các khách hàng có giao dịch từ các quốc gia chịu sự cảnh báo của FATF…

Những nỗ lực phòng chống rửa tiền của Việt Nam trong thời qua đã nhận được sự đánh giá rất cao của các tổ chức tài chính quốc tế. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với rất nhiều nội dung công việc đã, đang và sẽ được triển khai theo Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 – 2020, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ góp sức tích cực hơn, hiệu quả hơn vào cuộc chiến chống rửa tiền trên toàn cầu, góp phần ngăn chặn “dòng tiền bẩn” đang có xu hướng đổ vào các quốc gia có nền kinh tế năng động như Việt Nam.