Điểm mới của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 6 Luật vừa được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua. Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giới thiệu một số điểm mới của Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ 01/07/2018.
Thống nhất về cơ quan quản lý nhà nước về nợ công
Trình bày những điểm mới của Luật Quản lý nợ công được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ, Luật Quản lý nợ công gồm 10 Chương, 63 Điều, quy định về hoạt động quản lý nợ công bao gồm huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công. Việc quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý và giao một cơ quan là Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính.
Bên cạnh đó, Luật cũng tăng cường thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, tăng thẩm quyền của tập thể, hạn chế quy định thẩm quyền của cá nhân; Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân với trách nhiệm quản lý huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ công.
Một trong những điểm thay đổi quan trọng tại Luật này so với trước đây là nhiệm vụ chủ trì, tổ chức, thực hiện vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài… trước đây được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nay được giao về Bộ Tài chính. Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đúng tinh thần, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một tổ chức có thể làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính.
Đồng thời, Luật giao Chính phủ quy định nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nợ công nhằm xác lập căn cứ pháp lý minh bạch, cụ thể trong xác định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính; Nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp của các cơ quan liên quan, tương tự như quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối trong nhiều đạo luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí,…
Liên quan đến việc thay đổi nhiệm vụ về quản lý vốn vay ODA, Khoản 3, Điều 29 về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cũng quy định: “Bộ Tài chính chủ trì xác định thành tố ưu đãi, đánh giá tác động của khoản vay mới đối với các chỉ tiêu an toàn nợ công, xác định cơ chế tài chính trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt cùng với đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài”.
Quản lý rủi ro đối với nợ công
Chia sẻ thêm về những điểm mới của Luật, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Luật cũng lần đầu quy định về chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hàng năm với những nội dung, trình tự cụ thể việc lập, quyết định và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, hạn mức bảo lãnh Chính phủ trong 5 năm, hạn mức bảo lãnh và cho vay lại hàng năm được quy định chi tiết.
Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc xây dựng, triển khai các công cụ quản lý nợ công được kế thừa và tiếp cận hơn với thông lệ quốc tế, có tác động tích cực và khẳng định sự cần thiết đối với quản lý nợ chủ động.
Việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công, Luật đưa việc bảo đảm khả năng trả nợ, quản lý rủi ro đối với nợ công về Quỹ tích lũy trả nợ. Quỹ tích lũy trả nợ được lập để đảm bảo nguồn ngoại tệ trả nợ.
Thêm vào đó, tại Chương 9 về kế toán, kiểm toán, thống kê, báo cáo và công bố thông tin về nợ công gồm 5 điều (từ Điều 57 đến Điều 61) quy định chặt chẽ, xác định rõ yêu cầu về thống kê nợ công, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nợ công.
Luật cũng quy định làm rõ thông tin báo cáo, thời gian báo cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc cung cấp và công bố thông tin nợ công. Đây là những điểm mới so với luật Quản lý nợ công năm 2009.
Luật Quản lý nợ công 2017 đã bổ sung khái niệm mới về “Ngưỡng cảnh báo nợ công” quy định tại điều 21. Cụ thể, bên cạnh khái niệm trần nợ công đã có trước đây, Luật có thêm khái niệm ngưỡng để cảnh báo khi mức nợ công tiến gần đến mức trần và theo đó thực hiện các biện pháp để xử lý, kiểm soát. Đây là một thông lệ quốc tế phổ biến mà Luật lần này đã tiếp cận.
Trong Luật mới cũng quy định rõ mức ngưỡng nợ công do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ. Về mặt bản chất, ngưỡng là để đưa ra các biện pháp để kiểm soát. Khi nợ đến ngưỡng, chúng ta phải kiểm soát các nhu cầu về vay nợ, đồng nghĩa kiểm soát bội chi, cho vay lại, hạn mức về bảo lãnh, để đảm bảo nợ công không tiến sát đến trần.
So với Luật hiện hành, điều kiện được bảo lãnh chính phủ được siết chặt đối với từng nhóm đối tượng, bổ sung quy định về quản lý rủi ro bảo lãnh chính phủ. Việc quản lý nợ chính quyền địa phương cũng được quy định chặt chẽ, xác định rõ trách nhiệm, điều kiện vay và trả nợ của chính quyền địa phương.
Đáng chú ý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải giải trình và chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý nợ công của cơ quan, tổ chức. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.