Điểm mới tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Trong lĩnh vực sự nghiệp khoa học công nghệ, Chính phủ đã từng ban hành riêng Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 và Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến nay chưa được như kỳ vọng, đặc biệt các đơn vị chưa tự chủ được nguồn kinh phí bảo đảm tiền lương…
“Cơ chế khoán 10” trong khoa học và công nghệ
Với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, ngày 5/9/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập.
Bên cạnh đó, các tổ chức khoa học và công nghệ còn được quyền sản xuất, kinh doanh như doanh nghiệp; được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hưởng mọi ưu đãi như doanh nghiệp.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc ban hành cơ chế tự chủ quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã giải phóng được tiềm năng về nhân lực, tiềm lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, được ví như “cơ chế khoán 10” trong khoa học và công nghệ. Các quy định này luôn được bổsung, hoàn thiện nhằm giải phóng tối đa sức sáng tạo thúc đẩy, tạo điều kiện gắn kết quả khoa học và công nghệ với thực tiễn.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP với quan điểm chủ đạo là đổi mới và giao quyền tự chủ mạnh mẽ cho tổ chức khoa học và công nghệ công lập (nhất là quyền tự chủ cao về tổ chức, biên chế, tài chính và cả quyền sản xuất kinh doanh như doanh nghiệp cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập; đổi mới phương thức cấp kinh phí của Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng cấp theo nhiệm vụ, không bao cấp theo số lượng biên chế...), nhiều tổ chức khoa học và công nghệ đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công, khẳng định được vị thế, thương hiệu của đơn vị trên thị trường; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học. Các tổ chức khoa học và công nghệ đã tự chủ thực hiện nhiệm vụ; tự chủ về tài chính, tài sản (nâng cao doanh thu và mức thu nhập bình quân đầu người); tự chủ về quản lý tổ chức và nhân lực; tự chủ về hợp tác quốc tế...
Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, tính đến năm 2015, trong tổng số 642 tổ chức khoa học và công nghệ công lập, có 193 tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, chiến lược, chính sách thực hiện chuyển đổi (chiếm tỷ lệ 30%); 295 tổ chức chuyển sang loại hình tự trang trải kinh phí (chiếm tỷ lệ 46%); 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ (chiếm tỷ lệ 24%).
Có thể nói, những đổi mới về chính sách quản lý, cơ chế tài chính đối với khoa học và công nghệ thời gian qua đã được phát huy, đem lại những thành công mới, với những đóng góp thực chất trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP đến nay chưa có nhiều kết quả, các đơn vị chưa tự chủ được nguồn kinh phí bảo đảm tiền lương; kết quả nghiên cứu về cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội...
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP cũng bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương chưa kiên quyết, nghiêm túc trong chỉ đạo tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP, nên chậm phê duyệt đề án thực hiện tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc. Hệ thống cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn thiếu đồng bộ, xung đột làm hạn chế quyền tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Nghị định 115/2005/NĐ-CP cho phép tự chủ cao về tài chính song các văn bản khác có liên quan lại hạn chế quyền tự chủ, như việc bị hạn chế bởi khuôn khổ định mức chi tiêu quá thấp do được quy định trong các thông tư ban hành từ nhiều năm trước, việc khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ được áp dụng với nội dung đã có định mức kinh tế kỹ thuật...
Một số điểm mới về cơ chế tự chủ tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu, trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế tri thức, là giải pháp chủ yếu cho đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2020, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, các nhà khoa học, các tổ chức kinh tế. Bên cạnh đó, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về vấn đề tự chủ tài chính hiện nay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập thay thế Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Điều 1 Nghị định số 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.
Theo đó, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được phân loại theo mức độ tự bảo đảm về chi thường xuyên và chi đầu tư gồm: Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư); Tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư); Tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi đầu tư).
Về cơ chế tự chủ về tài chính của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định rõ nguồn tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm chi thường xuyên gồm nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu hợp pháp khác; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí; nguồn thu từ ngân sách nhà nước (NSNN) nếu được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ sự nghiệp công; nguồn thu từ NSNN để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên nếu được cơ quan có thẩm quyền giao; nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định hiện hành.
Trong khi đó, nguồn tài chính đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và tổ chức khoa học và công nghệ công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên gồm: nguồn thu từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, dịch vụ sự nghiệp công; nguồn thu từ NSNN để thực hiện các nhiệm vụ không thường xuyên; nguồn thu phí theo pháp luật về phí, lệ phí được để lại để chi hoạt động thường xuyên và chi mua sắm, sửa chữa lớn trang thiết bị, tài sản phục vụ công tác thu phí; nguồn vốn vay, viện trợ, tài trợ theo quy định hiện hành; nguồn thu từ hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết và nguồn thu khác theo quy định hiện hành.
Về chính sách ưu đãi đối với tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định 54/2016/NĐ-CP quy định rõ tổ chức khoa học và công nghệ công lập được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành. Cụ thể, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp và ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cụ thể được áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm, được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo. Ngoài ra, tổ chức khoa học và công nghệ công lập còn được hưởng chính sách ưu đãi về tín dụng và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.