Điểm mới về mức xử phạt vi phạm niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán

PV.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, thị trường chứng khoán, trong đó sửa đổi, bổ sung các hành vi và mức phạt đối với vi phạm niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

Một trong những điểm mới về xử phạt hành vi vi phạm niêm yết chứng khoán và đăng kí giao dịch chứng khoán là Nghị định 145/2016/NĐ-CP bổ sung thêm quy định: Hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn cũng sẽ bị xử phạt.

Trong đó, về mức phạt, đối với hành vi đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng nếu quá thời hạn đến 01 tháng; Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 70 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 01 tháng đến 03 tháng; Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 03 tháng đến 06 tháng; Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 06 tháng đến 09 tháng; Phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng nếu quá thời hạn từ trên 09 tháng đến 12 tháng…

Nghị định 145/2016/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng. Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng đối với tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp không có khoản thu trái pháp luật. Phạt tiền từ 01 lần đến 05 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt 1,2 tỷ đồng và không vượt quá 2 tỷ đồng đối với tổ chức có hành vi tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán trái quy định pháp luật trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật.

Nghị định 145/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện hành vi vi phạm thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi công ty, giải thể trước thời hạn, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định khác. Sửa đổi quy định phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán, đầu tư ra nước ngoài khi chưa đáp ứng đủ điều kiện…

Trong quy định về giấy phép thành lập và hoạt động, Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi quy định phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Hoạt động kinh doanh chứng khoán, cung cấp dịch vụ chứng khoán, khi chưa được UBCKNN cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận; Cung cấp dịch vụ chứng khoán, dịch vụ tài chính khi chưa có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN hoặc chưa có quy định hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép, giấy chứng nhận hoặc chấp thuận.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung giấy phép thành lập và hoạt động có thông tin sai sự thật hoặc che giấu sự thật hoặc sai lệch nghiêm trọng; Lập, xác nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứng khoán phái sinh có thông tin sai sự thật.

Ngoài các quy định xử phạt trên, Nghị định cũng quy định thêm về hình thức xử phạt bổ sung như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng và đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh trong thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm cụ thể quy định tại Nghị định này.

Trong quý III/2016, UBCKNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 22 doanh nghiệp kinh doanh chứng khoán, lưu ký, quản lý quỹ… Qua kết quả thanh tra đã yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục hoặc có phương án khắc phục những tồn tại nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thời gian tới, UBCKNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán, chủ động kiểm tra đột xuất các giao dịch cổ phiếu có dấu hiệu bất thường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, qua đó góp phần đảm bảo, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.