Điểm nhấn khi thực thi các cam kết của EVFTA
Hiệp định thương mại tư do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) ký kết ngày 30/6/2019 tại Hà Nội được đánh giá là cú hích lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, được kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội, gia tăng xuất khẩu hàng hóa và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Cơ hội cho các mặt hàng có lợi thế
EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, khác với 12 FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây. Đó là yêu cầu mở cửa thị trường của Hiệp định này.
Hơn 99% dòng thuế các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được xoá bỏ sau 7 năm EVFTA có hiệu lực... Vì lẽ đó, Hiệp định EVFTA không chỉ giúp Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mới của các mặt hàng Việt Nam có lợi thế.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm Hiệp định này có hiệu lực là hơn 99% (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ hơn 85% dòng thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU). Số dòng thuế được xoá bỏ sau 7 năm Hiệp định này có hiệu lực là hơn 99% (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).
Với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đây cũng là mức cam kết cắt giảm thuế cao nhất mà EU áp dụng đối với Việt Nam so với các hiệp định FTA đã được ký kết.
Ngược lại, với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, 91,8% số dòng thuế (tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU) được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức thuế quan xóa bỏ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: Dệt may, da giày, nông thủy sản (gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ...) là rất đáng kể.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020 và 36,7% vào năm 2030.
Hiệp định này cũng giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 2,18% - 3,25% trong giai đoạn 2019 - 2023 và tăng từ 7,07% - 7,72% đến năm 2033. Tính cộng hưởng hiệu quả và tiếp cận hàng hóa tại các thị trường, hoàn thiện thể chế sẽ giúp Việt Nam thu hút công nghệ, vốn để tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các ngành mũi nhọn trong xuất khẩu.
Trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư
Khi chủ động tham gia EVFTA, Việt Nam có thể trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Lợi thế này thể hiện ở 2 điểm nhấn mới sau đây:
Thứ nhất, theo dự báo của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, khi thực thi EVFTA sẽ có một lượng vốn lớn từ EU đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Đây là lĩnh vực tiềm năng được nhiều doanh nghiệp EU chờ đón.
Theo EuroCham, ngoài việc tập trung nguồn vốn, có thể EU sẽ đẩy mạnh chuyển giao giải pháp công nghệ cao trong nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm cho Việt Nam.
Không chỉ vậy, với quy mô và tiềm năng về vốn, công nghệ của EU, Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, cửa ngõ kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực châu Á.
Thứ hai, việc đầu tư mà EVFTA hướng tới không chỉ nhằm vào sản xuất, xuất nhập khẩu mà còn cả những lĩnh vực dịch vụ đang "sôi sục" trong trào lưu Cách mạng công nghệ 4.0 như: Viễn thông và công nghệ thông tin; Kiến trúc và tư vấn kỹ thuật; Dịch vụ môi trường...
Theo đó, khi phát triển các dịch vụ này, Việt Nam sẽ giảm thiểu được nhập khẩu, gia tăng xuất khẩu các dịch vụ chất lượng cao, không chỉ tăng đột phá kim ngạch xuất khẩu về giá trị mà còn cả về hiệu quả, cán cân thương mại tích cực…