Điểm nhấn sau 12 năm triển khai Chiến lược Kho bạc Nhà nước đến năm 2020

Ngô Kiến

Kết quả sau 12 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020 cho thấy, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã có những bước chuyển mạnh mẽ. Công tác quản lý ngân sách nhà nước theo đó ngày càng được hiện đại hóa; ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành khâu đột phá, tác động và hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa hệ thống.

Khách hàng thực hiện giao dịch tại Sở Giao dịch KBNN
Khách hàng thực hiện giao dịch tại Sở Giao dịch KBNN

Kết quả sau 12 năm triển khai “Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020” theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, hệ thống KBNN đã có những bước chuyển mạnh mẽ, cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực… Một số điểm nhấn nổi bật trong triển khai Chiến lược có thể đề cập tới như sau:

Đổi mới, hiện đại hóa quy trình quản lý quỹ ngân sách nhà nước

Hệ thống KBNN đã gắn kết được công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) với quy trình quản lý NSNN và hoàn thiện chế độ thông tin báo cáo thông qua việc triển khai thành công hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS); Tổ chức quản lý một số quỹ tài chính nhà nước (TCNN) được giao quản lý; Hạch toán, kế toán trong hệ thống TABMIS và thu, chi, thanh toán qua hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng.

Công tác quản lý thu NSNN qua KBNN cũng được đổi mới, hiện đại hóa thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu thu NSNN điện tử giữa KBNN - cơ quan thuế/hải quan – ngân hàng thương mại (NHTM); mở rộng tài khoản chuyên thu; áp dụng các hình thức thanh toán điện tử trong thu nộp NSNN. Qua đó, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; tập trung nhanh nguồn thu của NSNN; tiết kiệm chi phí tổ chức thu.

Hoạt động cải cách thủ tục hành chính và đổi mới công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN cũng được toàn hệ thống quyết liệt triển khai theo đúng lộ trình, cụ thể như:

(i) Tổ chức thực hiện kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN, góp phần nâng cao kỷ cương kỷ luật tài chính và ngăn chặn nợ đọng trong thanh toán;

(ii) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản hóa; phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; đồng thời, từng bước chuyển từ kiểm soát trước, thanh toán sau sang thanh toán trước, kiểm soát sau. Bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi theo rủi ro đối với chi thường xuyên; triển khai cơ chế xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN và quy trình gửi hồ sơ kiểm soát chi đến KBNN thông qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.

Cùng với đó, toàn hệ thống đã triển khai xây dựng kho dữ liệu để thu thập và lưu trữ các thông tin về dự toán, chấp hành và quyết toán NSNN; hoàn thiện các chỉ tiêu và phương pháp xác định nội dung thu, chi NSNN phù hợp với thông lệ chung; qua đó, đổi mới công tác thống kê thu, chi quỹ NSNN.

Thêm công cụ để quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả

Xác định rõ quan điểm, mục tiêu và định hướng xây dựng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020, 12 năm qua, toàn hệ thống KBNN đã tập trung thực hiện đổi mới công tác quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) theo hướng an toàn, hiệu quả; Hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại ngân hàng và tập trung số dư NQNN về Ngân hàng Nhà nước; Phát triển các công cụ để quản lý NQNN như: Dự báo luồng tiền và xây dựng phương án điều hành NQNN; sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi để tạm ứng cho ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, gửi có kỳ hạn tại các NHTM và mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP)...

Công tác phát hành, thanh toán TPCP cũng được KBNN đẩy mạnh theo hướng công khai, minh bạch và dần hoạt động theo nguyên tắc thị trường; qua đó, kéo dài kỳ hạn bình quân danh mục nợ TPCP; điều hành lãi suất TPCP bám sát diễn biến thị trường và giảm dần qua các năm, tiết kiệm chi phí trả lãi cho NSNN. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý; gắn kết việc quản lý ngân quỹ và quản lý nợ; sắp xếp hình thành đơn vị chuyên quản lý ngân quỹ, quản lý phát hành TPCP thuộc KBNN.

Kế toán các khoản nợ trong nước của Chính phủ và nợ các cấp chính quyền địa phương cũng được triển khai theo đúng nguyên tắc, thông lệ quốc tế; cung cấp đầy đủ thông tin báo cáo liên quan đến các khoản nợ công.

Nhằm cung cấp thêm thông tin về tổng tài sản, tổng nghĩa vụ phải trả của Nhà nước... phục vụ cho quá trình quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan quản lý, thời gian qua, KBNN bước đầu triển khai lập báo cáo TCNN từ năm tài chính 2018; đồng thời, triển khai thực hiện nhiệm vụ quyết toán NSNN hàng năm để trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua, đảm bảo yêu cầu và thời hạn theo quy định.

Đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin

Xác định CNTT là khâu đột phá, tác động và hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động cải cách, hiện đại hóa hệ thống KBNN, thời gian qua, hệ thống KBNN đã Đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng CNTT đầy đủ, đồng bộ; Xây dựng kiến trúc tổng thể về hệ thống CNTT (trong đó, hệ thống TABMIS đóng vai trò là trung tâm, kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu với một số hệ thống liên quan) đáp ứng mục tiêu hiện đại hoá CNTT của KBNN; Xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn CNTT theo chuẩn và chính sách an toàn bảo mật thông tin; hoàn thành việc xây dựng môi trường dự phòng thảm họa cho các hệ thống CNTT.

Đồng thời, triển khai xây dựng kho dữ liệu về thu, chi NSNN và các hoạt động nghiệp vụ khác của KBNN để cung cấp dữ liệu cho Kho dữ liệu thu, chi NSNN của Bộ Tài chính và cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính – ngân sách, phục vụ công tác quản lý, điều hành. Cùng với đó, bước đầu triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến, tạo tiền đề cho việc hình thành kho bạc điện tử.

Kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn

theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hệ thống KBNN thời gian qua đã tập trung quản lý điều hành, nâng cao tính chuyên môn hóa của một số đơn vị tại trung ương; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, hoạch định chính sách tại trung ương; sắp xếp, hợp lý hóa nguồn nhân lực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức mới; từng bước thực hiện quản lý cán bộ theo khối lượng và chất lượng công việc được giao…

Tóm lại, việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 đã cơ bản đạt được các mục tiêu tổng quát đề ra. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, hệ thống KBNN cần tiếp tục đổi mới chức năng quản lý theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi ngân sách. Cụ thể là cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, chiến lược tài chính và nhất là áp dụng những công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.