Điểm nhấn tài chính - kinh tế trong nước tuần từ 24-29/10/2016

PV.

Chỉ số công khai ngân sách của việt Nam có xu hướng tăng,10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 3,52 tỷ USD, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2016 tăng 28%, trái phiếu chính phủ tăng trưởng 1,9 lần so với 2013... là những điểm nhấn tài chính-kinh tế tuần qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Chỉ số công khai ngân sách của việt Nam có xu hướng tăng

Ngày 27/10, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) và Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về thực hiện luật ngân sách nhà nước 2015” tại Hà Nội.

Theo Báo cáo đề dẫn về công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam và việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 công bố tại Hội thảo, Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng qua các kỳ đánh giá.

10 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu gần 3,52 tỷ USD

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm 2016, tổng trị giá xuất nhập khẩu dự kiến đạt 284,64 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 144,08 tỷ USD, tăng 7,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 140,56 tỷ USD, tăng 2,1%. Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2016, thương mại hàng hóa của Việt Nam dự kiến xuất siêu gần 3,52 tỷ USD
 
Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2016 tăng 28%

Trong tháng 10/2016, cả nước có 10.314 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 81.524 tỷ đồng, tăng 28,2% về số doanh nghiệp và 7,1% về số vốn đăng ký so với tháng 9, nhờ những chuyển biến tích cực từ kinh tế vĩ mô đã tác động mạnh mẽ đến tình hình sản xuất - kinh doanh trong nước.

Lũy kế 10 tháng năm 2016, cả nước có 114.251 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó có 91.765 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 710.618 tỷ đồng và 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Dự kiến 2017 Việt Nam sẽ không được vay ODA

Trong giai đoạn 2005-2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 45 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: Hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo…

Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không được vay vốn theo điều kiện ODA, phải sử dụng chủ yếu nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất 2-3,5%.

Trái phiếu chính phủ tăng trưởng 1,9 lần so với 2013

Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, chiếm khoảng 20% GDP. Quy mô thị trường TPCP (thời điểm giữa năm 2016) đạt 931.000 tỷ đồng với kỳ hạn đáo hạn trung bình lên gần 7 năm và tăng xấp xỉ 1,9 lần so với thời điểm giữa năm 2013; quy mô trung bình của các đợt phát hành trái phiếu có sự tăng trưởng đáng kể từ 220 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2010) lên tới 6.000 tỷ đồng/đợt (phát hành năm 2015); thanh khoản thị trường cũng có những bước tiến lớn, tổng giá trị giao dịch (năm 2015) tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013.