Cải thiện môi trường đầu tư: Nỗ lực và thành quả bước đầu
Công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ và ngày càng thu được kết quả tích cực, nổi bật là sự cải thiện môi trường đầu tư.
Thành quả này không chỉ được khẳng định bằng những kết quả khá ấn tượng về động lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế; về số lượng dự án FDI và số doanh nghiệp đăng ký mới, quay lại hoạt động, cùng với số vốn thực hiện và bổ sung… mà còn được ghi nhận qua việc Việt Nam liên tục có sự cải thiện xếp hạng các chỉ số về BCI-Chỉ số niềm tin kinh doanh (Eurocham); chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam (của ANZ Việt Nam); chỉ số tín nhiệm quốc gia và xếp hạng cạnh tranh quốc gia; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam và hệ số tín nhiệm của nhiều ngân hàng thương mại của Việt Nam.
Đặc biệt, Báo cáo thường niên về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business Report ) do Ngân hàng Thế giới công bố cho thấy Việt Nam đã có sự cải thiện khá liên tục.
Theo đó, năm 2012, Việt Nam đứng thứ 99/183 nước. Đến năm 2014, tăng lên thứ 93/189 nước; năm 2015 tăng lên thứ 90/190 và trong Báo cáo 2017 mà WB vừa công bố, Việt Nam xếp hạng 82/190 nền kinh tế được đánh giá.
Bên cạnh đó, “Chỉ số sáng tạo” của Việt Nam năm 2015 tăng 19 bậc so với năm 2011.
Việt Nam cũng có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới: Xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong ASEAN.
Năm 2016, chỉ số “Chính phủ điện tử” của Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015.
Trong bảng xếp hạng cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 56/140 nước giai đoạn 2015- 2016, tăng 12 bậc, so với vị trí 68 trong giai đoạn 2014-2015 và đứng thứ 60/138 nước giai đoạn 2016-2017.
Tuy có sụt giảm nhẹ trong bảng tổng sắp (sự tụt hạng cũng xảy ra với Malaysia giảm 7 bậc, Philippines giảm 10 bậc…) song WEF đánh giá xu hướng chung là Việt Nam vẫn đang ngày càng cải thiện năng lực cạnh tranh, nhất là về kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản, y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế, trình độ công nghệ, giáo dục và đào tạo bậc cao.
Một trong những trọng tâm nổi bật của cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam là việc giảm thuế suất. Cụ thể: Thuế thu nhập doanh nghiệp được điều chỉnh giảm dần qua các năm, với mức từ 32% năm 1999 xuống còn 28% vào năm 2004; còn 25% năm 2009; còn 22% vào năm 2014; còn 20% vào năm 2016…
Thời gian hoàn thành thủ tục thuế cũng giảm nhanh. Nếu năm 2008 là 1.050 giờ (gồm 650 giờ nộp thuế và 400 giờ đóng bảo hiểm bắt buộc), thì năm 2010 còn 941 giờ; năm 2012 là 872 giờ, năm 2014 là 537 giờ và năm 2015 còn 117 giờ.
Thủ tục hành chính, chất lượng dịch vụ công cũng được quan tâm cải thiện theo hướng rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp và thông quan; gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường, nhất là được khẳng định ở việc cắt giảm từ 49 lĩnh vực, còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh và thống nhất 1 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế.
Thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nới “room” cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng được thực hiện.
Việt Nam cũng đạt nhiều tiến bộ trong tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kỹ thuật; đề cao và duy trì lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia và tăng vai trò đầu tư nước ngoài…
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam theo cam kết hội nhập được thúc đẩy bởi sự thay đổi tư duy từ hội nhập kinh tế sang hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động đổi mới mô hình tăng trường từ chủ yếu phát triển bề rộng sang chủ yếu phát triển theo bề sâu, dựa trên năng suất, công nghệ và bảo vệ môi trường. Khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giảm dần về quy mô, tỷ trọng. Khu vực tư nhân ngày càng được coi trọng…
Có thể nói những nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường đầu tư sẽ tạo hợp lực và là nền tảng bảo đảm cho Việt Nam tiếp tục phát triển và hội nhập hiệu quả và bền vững hơn.