Điểm nhanh sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật tuần qua

PV.

Tuần qua (từ ngày 26/12 - 1/1/2017) có nhiều sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận như: Ba “ông lớn” ngân hàng được nâng hạn mức cho vay tiền gửi tối đa 90%; TP. Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng tín dụng 18%; Tỷ giá thị trường giảm nhẹ… Tạp chí Tài chính điểm lại một số nội dung đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba “ông lớn” ngân hàng được nâng hạn mức cho vay trên tiền gửi tối đa 90%

Ngày 27/12/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2509/QĐ-NHNN về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Theo đó, các ngân hàng: Công thương Việt Nam (VietinBank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) được duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa là 90% kể từ ngày Thông tư số 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/7/2016).

Trước đó, Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định, các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép có tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng số tiền gửi tối đa là 80%.

Cùng với quyết định trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các ngân hàng được chấp thuận tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi nêu trên phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và cơ cấu tín dụng phù hợp.

TP. Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng tín dụng 18%

Thông tin trên được ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết tại buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về hoạt động của ngành Ngân hàng trong năm 2016 diễn ra ngày 30/12/2016.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 1.457.600 tỷ đồng, trong đó, tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 78% tổng dư nợ. Hoạt động tín dụng duy trì tỷ lệ tăng trưởng và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ các năm trước. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 79,8%, đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng. Tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ trọng dư nợ vẫn chiếm 75% trong tổng dư nợ.

Tỷ giá thị trường giảm nhẹ

Tính chung trong tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 1 đồng với 2 ngày tăng giá và 4 ngày giảm giá. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 31/12), tỷ giá trung tâm là 22.156 VND/1USD, giảm 3 đồng so với tỷ giá ngày 30/12, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có sự điều chỉnh giảm giá.

Cụ thể, tại ngân hàng VietcomBank, tỷ giá  giảm 10 đồng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra là 22.710 - 22.780 VND/1USD;  Tại VietinBank, tỷ giá mua vào – bán ra giảm ở cả hai chiều là 22.710 - 22.780 VND/1USD; Tại BIDV, tỷ giá giảm 20 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra là 22.720 - 22.790 VND/1USD; Tại ACB, tỷ giá giảm 10 đồng ở giá mua vào và bán ra là 22.720 - 22.800 VND/1USD; Tại Techcombank, tỷ giá giảm 10 đồng ở chiều mua vào – bán ra với mức niêm yết là 22.720 - 22.810 VND/1USD.

Năm 2017, tỷ giá VND/USD sẽ tăng từ 2-4%

Đó là dự báo của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đưa ra trong báo cáo triển vọng năm 2017 công bố tuần qua. Mặc dù có những biến động nhất định vào từng thời điểm nhưng nhìn chung năm 2016 được ghi nhận là một năm khá ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo VCBS, trong 9 tháng đầu năm 2016, tỷ giá bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại ít biến động và phổ biến ở mức từ 22.330 - 22.350 VND/1USD. Từ quý IV/2016, đặc biệt là từ tháng 11, với áp lực từ kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với phần thắng thuộc về ứng viên Donald Trump, FED tăng lãi suất trong tháng 12 và đi kèm lộ trình tăng lãi suất mạnh hơn trong năm 2017, dẫn tới giá USD tăng trên thị trường thế giới. Cùng với đó là yếu tố mùa vụ thanh toán, tỷ giá tại hệ thống ngân hàng thương mại liên tục tăng và đến cuối tháng 12 phổ biến ở mức 22.790 -22.800 VND/1USD, tăng khoảng 1,1% so với cuối năm 2015.

Dự báo về diễn biến tỷ giá trong năm 2017, VCBS nhận định mức giảm giá của VND trong năm 2017 sẽ vào khoảng 2% - 4%.

Từ 15 tuổi trở lên được mở tài khoản thanh toán

Ngày 26/12/2016, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 32/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Thông tư 32/2016/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2017.

Theo đó, Thông tư 32/2016/TT-NHNN cho phép người từ đủ 15 tuổi trở lên (không cần phải có tài sản riêng) có đủ năng lực hành vi dân sự được mở tài khoản thanh toán. Bên cạnh đó, cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

10/118 tổ chức tín dụng âm vốn tự có

Tuần qua, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2016. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống ước tính năm 2016 là 11,3% (năm 2015 là 11,6%). Tỷ lệ vốn cấp 1/tổng tài sản “có” rủi ro điều chỉnh là 8,6%. Toàn hệ thống có 4/92 ngân hàng thương mại có tỷ lệ CAR dưới 9%. Có 10/118 tổ chức tín dụng âm vốn tự có. Nếu loại trừ các tổ chức tín dụng bị âm vốn tự có thì CAR của toàn hệ thống là 12,6%.

Bên cạnh đó, kết quả áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel 2 tại 10 tổ chức tín dụng thí điểm cho thấy, hệ số CAR giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng. Đối với 04 ngân hàng thương mại nhà nước, CAR theo báo cáo hiện tại đã gần tiệm cận mức 9%, áp dụng Basel 2 thì CAR giảm xuống dưới 8%.