Sự kiện tiền tệ nổi bật trong nước tuần qua

PV.

Năm 2017 sẽ kiểm toán nhiều ngân hàng lớn; nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt; lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh; tỷ giá thị trường giảm nhẹ; 30 tổ chức tín dụng triển khai mô hình giao dịch tiền mặt… là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (5/12 – 11/12/2016).

Nhiều thông tin tiền tệ  trong nước nổi bật tuần qua (5/12 -11/12/2016) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhiều thông tin tiền tệ trong nước nổi bật tuần qua (5/12 -11/12/2016) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năm 2017 sẽ kiểm toán nhiều ngân hàng lớn

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)… là những ngân hàng nằm trong diện kiểm toán năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước.

Thông tin trên được Kiểm toán Nhà nước vừa công bố trong Kế hoạch kiểm toán năm 2017 ban hành kèm theo Quyết định số 1955/QĐ-KTNN  ngày 6/12/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Ngoài các ngân hàng lớn trên, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ tiến hành kiểm toán tại 2 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank) và Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank).

Nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt

Ngày 10/12, Hội đồng quản trị, Ban điều hành Ngân hàng TPCP Đông Á (DongA Bank) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của DongA Bank vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - Nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc và 3 nhân viên khác.

Ngay sau khi ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DongA Bank và một số cán bộ của ngân hàng này bị C46 tiến hành các thủ tục khởi tố và bắt tạm giam, ngày 11/12, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng về vấn đề này. Theo Ngân hàng Nhà nước, tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước đã công bố kết luận thanh tra DongA Bank theo quy định của pháp luật và quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này, do DongA Bank đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DongA Bank.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng giám đốc DongA Bank; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng giám đốc DongA Bank.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ngày 8/12 cho biết, trong hai tuần trở lại đây, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng tăng trở lại với biên độ khá lớn. Cụ thể, hiện lãi suất các kỳ hạn qua đêm, một tuần, hai tuần phổ biến từ 3-3,5%/năm thay cho mức dưới 1% của một tháng trước đây. Mức tăng này là mức cao nhất trong 7 tháng trở lại đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 11/2016 đạt mức 15,8% trong khi tăng trưởng huy động là 15,2%. BVSC cho rằng, việc tín dụng liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng vừa qua không bất ngờ, do nhu cầu vay vốn trong nền kinh tế thường tăng cao vào dịp cuối năm. Thanh khoản bớt dư thừa do tín dụng tăng tốc cùng một lượng tiền VND nhất định chảy sang kênh ngoại tệ sau những đợt tăng nóng của tỷ giá là những nguyên nhân trực tiếp đẩy lãi suất liên ngân hàng lên một mặt bằng mới.

Tỷ giá thị trường giảm nhẹ

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 15 đồng với 2 ngày tăng giá, 3 ngày giảm giá và một ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 10/12), tỷ giá trung tâm là 22.117 VND/1USD, không đổi so với ngày 09/12. Cụ thể, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại như sau:

Trong phiên giao dịch ngày 10/12, tại Vietcombank, tỷ giá giảm 65 đồng chiều mua vào và 75 đồng chiều bán ra với mức giá 22.530 - 22.610 VND/1USD;  tại BIDV, tỷ giá tăng 30 đồng chiều mua vào và 20 đồng chiều bán ra với mức giá tương ứng mua vào và bán ra 22.590 - 22.660 VND/1USD.

Tại Eximbank, mức giá niêm yết ở chiều mua vào và bán ra là 22.510 - 22.610 VND/1USD. Trong khi đó Vietinbank, tỷ giá tăng 10 đồng chiều mua vào và chiều bán ra không thay đổi với mức giá 22.595 - 22.665 VND/1USD.

30 tổ chức tín dụng triển khai mô hình giao dịch tiền mặt

Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Hội nghị Tổng kết mô hình giao dịch đầu mối tiền mặt, mô hình kho quỹ tập trung diễn ra ngày 8/12 tại Hà Nội.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 30/41 tổ chức tín dụng đã triển khai mô hình giao dịch tiền mặt đầu mối và kho quỹ tập trung trên địa bàn 28/63 tỉnh, thành phố. Các ngân hàng thương mại tham gia giao dịch theo mô hình này chủ yếu là những ngân hàng có doanh số giao dịch tiền mặt lớn và hệ thống mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch nhiều như: Agribank, VietinBank, BIDV…  với khoảng 2.500 trên tổng số 9.600 chi nhánh, phòng giao dịch, chiếm 26% tổng số chi nhánh toàn hệ thống ngân hàng.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình giao dịch tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc triển khai mô hình giao dịch đầu mối này đã giảm thiểu từ 20-30% khối lượng giao dịch của các tổ chức tín dụng với Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt giảm mạnh tại các địa bàn thành phố lớn trong khi lưu lượng giao dịch tiền mặt vẫn tăng qua các năm.

Tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt

Ngày 07/12/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có Công điện số 03/CĐ-NHNN yêu cầu tăng cường công tác an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt. Theo Công điện, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản trong các khâu giao dịch, két quỹ, kho tiền, Thống đốc NHNN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, Sở giao dịch NHNN, các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện ngay một số công việc sau:

Tăng cường công tác chỉ đạo, phổ biến hướng dẫn, kiểm tra trong toàn hệ thống (đối với các tổ chức tín dụng), trên địa bàn (đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố) về công tác an toàn kho quỹ, các hoạt động giao dịch kiểm đếm, vận chuyển, bảo quản tiền mặt, vàng, các hoạt động quản lý máy ATM…; Rà soát lại các quy trình nội bộ trong công tác tiền tệ kho quỹ để đảm bảo thống nhất, quản lý chặt chẽ an toàn tài sản; Kiểm tra, rà soát hệ thống thiết bị an toàn tại nơi giao dịch như hệ thống camera, các hệ thống báo động, nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực khác có liên quan…

Thủ tướng yêu cầu truy tìm thủ phạm tung tin đồn bịa đặt đổi tiền

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 6/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an điều tra làm rõ và truy tìm thủ phạm tung tin đồn bịa đặt đổi tiền VND.

Trước đó, ngày 01/12, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp đổi tiền. Đi cùng với tin đồn này là việc xúi giục người dân rút tiền để mua vàng và ngoại tệ khiến tâm lý một số người dân hoang mang. Khẳng định đó là thông tin bịa đặt và có dụng ý xấu, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị: “Người dân cần cảnh giác và đấu tranh trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia”.

Chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống

Ngày 05/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có Văn bản số 9325/NHNN-TT gửi các tổ chức phát hành thẻ, các tổ chức thanh toán thẻ, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh việc sử dụng thẻ tín dụng để thực hiện giao dịch khống.

Theo NHNN, qua công tác theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động thanh toán thẻ, thời gian gần đây, có hiện tượng đơn vị chấp nhận thẻ cung ứng cho chủ thẻ tín dụng dịch vụ rút tiền mặt qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS/mPOS) hoặc thông qua tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để sử dụng thẻ tín dụng nhằm rút tiền mặt mà không phát sinh việc mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Để thực hiện nghiêm túc quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Thống đốc NHNN yêu cầu: Các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tiến hành rà soát, đánh giá, lựa chọn các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ có năng lực, uy tín khi ký kết hợp đồng; có quy trình, nghiệp vụ theo dõi, giám sát chặt chẽ các giao dịch thẻ tín dụng nhằm không để xảy ra tình trạng giao dịch khống tại các đơn vị chấp nhận thẻ…