Sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật tuần qua

PV.

Tuần qua (từ ngày 19/12 - 25/12/2016) có nhiều sự kiện tiền tệ trong nước nổi bật thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Tạp chí Tài chính điểm lại một số nội dung đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đến 31/12/2016, sẽ giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết, dự kiến đến hết năm 2016, sẽ giải ngân hết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội. Tính đến 30/11/2016, chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội đã giải ngân được 29.239 tỷ đồng, dư nợ là 24.166 tỷ đồng.

Cụ thể, cơ cấu các nhóm khách hàng được giải ngân gồm: Khách hàng cá nhân (khách hàng có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, mua và thuê nhà ở thương mại chuyển đổi công năng, đầu tư cải tạo/xây dựng nhà ở của mình) đã giải ngân 23.845 tỷ đồng, đạt 92,5% cam kết cho vay (25.789 tỷ đồng), dư nợ đạt 20.650 tỷ đồng; Khách hàng doanh nghiệp (gồm khách hàng doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội), chương trình đã giải ngân lũy kế 5.395 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, gói tín dụng đã giúp thị trường bất động sản hồi phục, giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt tạo điều kiện cho trên 50.000 cá nhân, hộ gia đình khó khăn về nhà ở đã được cải thiện về chỗ ở…

Tín dụng năm 2016 tăng 19,4%

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tính chung 12 tháng năm 2016, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 16.113 nghìn tỷ đồng, tăng 19,4% so cùng kỳ.

Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 9.111 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%; dư nợ trung và dài hạn đạt 7.002 nghìn tỷ đồng, tăng 33,4%; Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 41,8%; cho vay bất động sản chiếm 8,4%; cho vay tiêu dùng chiếm 9%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,8%. Tính riêng trong tháng 12/2016, dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đạt 1.463 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2015.

Tỷ giá thị trường tăng nhẹ

Tính chung trong tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 11 đồng với 3 ngày tăng giá và 1 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 24/12), tỷ giá trung tâm là 22.155 VND/1USD, không đổi so với tỷ giá ngày 23/12.

Cụ thể, tại các ngân hàng lớn như: Vietcombank, Vietinbank và BIDV, tỷ giá trung tâm là 22.720 - 22.790 VND/USD; Tại các ngân hàng ACB và Eximbank, tỷ giá tăng 10 đồng ở giá mua vào và bán ra là 22.720 - 22.800 VND/1USD; Tại Techcombank, tỷ giá mua vào – bán ra giao dịch ở mức 22.680 - 22.790 VND/1USD; Tại DongABank, tỷ giá mua vào – bán ra niêm yết giao dịch ở mức 22.720 - 22.790 VND/1USD.

Đã xử lý khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Đó là số liệu được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thông tin trong tuần qua. Theo đó, tính đến cuối tháng 12/2016, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chiếm 21%.

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, kết quả trên là khá tích cực nhưng thực tế, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn.

Tổng số nợ bán cho VAMC chưa xử lý được là 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho VAMC, chiếm khoảng 4,3% tổng tín dụng). Trong khi đó, năm 2016, số dự phòng rủi ro tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng ước tăng khoảng 11,9%  so với cuối năm 2015 (năm 2015 tăng 5,4%); dự phòng rủi ro cụ thể tăng 24,9%, cao hơn so với cùng kỳ 2015 (11,9%); tỷ lệ dự phòng rủi ro cụ thể/nợ xấu báo cáo là 57,2%.