Điểm sáng giải ngân FDI
Không nên quá kỳ vọng vào số vốn FDI thu hút thêm nếu muốn dành thị phần cho đầu tư trong nước.
Dù chưa hết năm, song các dự báo hiện nay đều khẳng định vốn FDI giải ngân cả năm 2016 sẽ phá kỷ lục của năm 2015. Nếu điều này thành hiện thực, vốn FDI sẽ phá kỷ lục giải ngân trong 3 năm liên tiếp. Trong bối cảnh vốn đăng ký sụt giảm, đây là tín hiệu tích cực cho thấy thu hút FDI đã đi vào thực chất hơn.
GS,TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định, vốn đăng ký năm nay chắc chắn không đạt kế hoạch đã đề ra. Theo ông Mại, kết quả chung cuộc sẽ chỉ quanh mức 20-21 tỷ USD, không thể chạm tới mức 24 tỷ USD của năm 2015.
Tuy nhiên với GS. Nguyễn Mại, ông không quan tâm nhiều lắm đến vốn đăng ký vì trước nay con số này chỉ là số cam kết. Nếu nhà đầu tư cam kết xong rồi để đó thì con số chỉ nằm trên giấy tờ và không có ý nghĩa đối với nền kinh tế. “Có năm vốn đăng ký lên tới 72 tỷ USD song lại cách xa vốn thực hiện, chẳng để làm gì”, ông Mại bình luận.
Hệ quả của việc thu hút những con số ảo là luỹ kế đến nay tổng vốn FDI đăng ký đã lên tới 300 tỷ USD, nhưng thực hiện mới đạt 160 tỷ USD, còn 140 tỷ USD chưa thực hiện được. GS. Nguyễn Mại nhận định, chắc chắn với sức hấp thụ của nền kinh tế hiện nay thì 140 tỷ USD này không thể thực hiện hết, cùng lắm chỉ có thể giải ngân thêm khoảng 40 tỷ USD. Vì vậy, ông Mại đã nhiều lần đề nghị rút con số này khỏi bảng số liệu FDI để không tạo ra thành tích ảo.
Không có cái nhìn quá bi quan về sự chững lại của dòng vốn FDI. Nhiều chuyên gia nhận định nếu soi lại chuỗi thời gian sẽ thấy vài năm gần đây có tín hiệu tốt là vốn đăng ký và thực hiện chênh lệch không nhiều. Theo đó, số vốn giải ngân bắt đầu tăng mạnh từ năm 2014 và liên tục duy trì tốc độ cho tới nay. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư được cấp dự án là thực hiện ngay, đồng thời cũng thể hiện sự chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định và phê duyệt dự án.
Cụ thể là trước đây, giải ngân vốn FDI chỉ xoay quanh ngưỡng 11 - 12 tỷ USD là “kịch kim”. Năm 2014, con số là 12,5 tỷ USD và đã được đánh giá là ở mức cao, dù vẫn thấp hơn đáng kể so với gần 22 tỷ USD vốn đăng ký. Tới năm 2015, con số này tăng lên 14,5 tỷ USD, rút ngắn dần khoảng cách so với số vốn đăng ký là 24,1 tỷ USD.
Và trong 11 tháng năm 2016, vốn giải ngân đạt 14,3 tỷ USD, chỉ kém chưa đầy 4 tỷ USD so với vốn đăng ký, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong hơn 1 tháng cuối của năm, khả năng vốn FDI giải ngân thêm khoảng 2 tỷ USD là trong tầm tay đưa vốn thực hiện có khả năng đạt 16-17 tỷ USD, tăng khoảng 13-14% so với năm 2015.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng khẳng định, vốn giải ngân tăng lên là biểu hiện cho thấy dòng vốn FDI vào Việt Nam đang phát triển ổn định, thậm chí có bước đột phá. Trong khi đó ở chiều ngược lại, vốn thu hút chững lại là nhờ quản lý Nhà nước đã có sự chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng chuyển sang chất lượng, có chọn lọc, ưu tiên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch... Tới nay, thực tế cũng cho thấy Việt Nam đã giữ chân được những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, ngoài vốn đầu tư trực tiếp thì dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A cũng đang cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Số liệu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong 7 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A đã vượt 3,2 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.
Nếu tính riêng phần góp vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để sở hữu trên 50% cổ phần tại doanh nghiệp Việt Nam thì con số này là 1,51 tỷ USD cho hơn 1.200 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài chiếm đại đa số những thương vụ có giá trị lớn. Trong nhóm 10 thương vụ lớn nhất từ trước đến nay thì có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua.
Các chuyên gia khuyến cáo, sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng qua hoạt động giải ngân vốn và M&A mới là dấu hiệu thực chất cho thấy niềm tin của họ vào thị trường Việt Nam. Bởi đây mới là “tiền tươi thóc thật”, thu hút vào và lập tức phát huy hiệu quả.
Với triển vọng hiện nay, dòng tiền này được đánh giá sẽ còn gia tăng trong năm tới. GS. Nguyễn Mại dự báo, năm 2017 vốn FDI giải ngân có thể tăng được thêm 10% so với 16 tỷ USD của năm 2016. Ông Mại cũng nhắc lại: “Không nên kỳ vọng quá nhiều vào số vốn FDI thu hút thêm khi chúng ta muốn dành lại thị phần cho đầu tư trong nước”.