Điểm sự kiện kinh tế - tài chính quốc tế nổi bật tuần qua
Căng thẳng với việc Tổng thống Mỹ xem xét đánh thuế bổ sung hàng hóa Trung Quốc, 66 triệu người lao động tại các nước phát triển sẽ mất việc làm trong những năm tới, tài sản của nhiều tỷ phú tiền ảo bốc hơi hàng tỷ USD... là những sự kiện nổi bật trong bức tranh kinh tế - tài chính thế giới tuần vừa qua (từ 2 đến 6/4/2018).
1300 mặt hàng Trung Quốc sẽ bị Mỹ áp thuế bổ sung
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang với các hành động ăn miếng trả miếng liên tiếp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới khi ngày 5/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét tăng gấp đôi mức thuế bổ sung đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 100 tỷ USD.
Trước đó, ngày 3/4, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung do "các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh liên quan việc Trung Quốc "cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ."
66 triệu người lao động tại các nước phát triển sẽ mất việc làm trong những năm tới
Theo Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế -OECD, cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới, do cứ 7 người lao động (tại 32 nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu) thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới, bởi những công việc hiện tại sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa.
Nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau, các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản. Anh là nước ít bị ảnh hưởng nhất. Tự động hóa sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp và một số lĩnh vực dịch vụ (như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống).
Tài sản của nhiều tỉ phú tiền kỹ thuật số “bốc hơi” hàng tỉ USD
Theo Forbes, thị trường tiền thuật toán giảm mạnh từ đầu năm đến nay, trong đó, bitcoin giảm hơn nửa giá trị. Biến động cực mạnh đặc trưng của ngành công nghiệp non trẻ này khiến một số nhà đầu tư giàu nhất mất cả khối tài sản.
Đơn cử, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch Ripple Chris Larsen, người đứng đầu danh sách các nhân vật giàu nhất trong thế giới tiền thuật toán của Forbes cách đây hai tháng, chứng kiến tài sản giảm mạnh từ 8 tỉ USD cuối tháng 1 xuống còn 3 tỉ USD hôm nay (3/4). Tài sản của ông được tính theo số lượng đồng ripple (XRP) mà ông nắm giữ.
Bất đồng thương mại Mỹ - Trung đẩy giá vàng thế giới tăng 1,4%
Quyết định của Trung Quốc nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế cao đối với nhôm và thép, nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa hai bên.
Trong lúc nhiều trung tâm tài chính lớn ở châu Âu đóng cửa trong dịp lễ Phục sinh, tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 1,4% lên 1.342,46 USD/ounce vào lúc 0 giờ 34 phút ngày 2/4 (giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc chạm mức 1.342,97 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao vào tháng 6/2018 tăng 19,60 USD (tương đương 1,5%) lên 1.346,90 USD/ounce.