Diễn biến sau áp trần giá sữa

LH

(Tài chính) Người tiêu dùng đang rất phấn khởi trước quyết tâm bình ổn giá sữa của Bộ Tài chính, các shop bán lẻ cũng hy vọng doanh số sẽ tăng, nhưng các công ty kinh doanh, phân phối sữa thì đang chấp hành quy định này như thế nào?.

Sữa "Nan" đã giảm hơn 100.000 đồng/hộp, có nơi giảm tới 120.000 đồng/hộp.  Nguồn: internet
Sữa "Nan" đã giảm hơn 100.000 đồng/hộp, có nơi giảm tới 120.000 đồng/hộp. Nguồn: internet
Sau một thời gian quy định áp trần giá sữa có hiệu lực, thực tế diễn biến trên thị trường khiến nhà quản lý, người tiêu dùng chưa thực sự yên tâm…

Trước đây, giá sữa liên tục tăng, mỗi năm tăng 3 - 4 lần, khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các bà mẹ đang nuôi con nhỏ vô cùng bức xúc. Khi Bộ Tài chính  ra quy định về việc áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (có hiệu lực kể từ 1/6), đã khiến người tiêu dùng hân hoan đón chờ, kể các các shop bán lẻ cũng rất ủng hộ…

Thực hiện việc áp giá trần, Bộ Tài chính khẳng định, sau đây, giá bán buôn các sản phẩm sữa sẽ thấp hơn 10-15% thậm chí 20% so với giá bán buôn trước đây, và giá sữa bột bán lẻ không được vượt quá 15% giá tối đa trong khâu bán buôn, chậm nhất giá bán buôn phải được áp dụng từ 11/6 và giá bán lẻ từ 21/6.

Trước quy định này, các bà mẹ hy vọng giá sữa sẽ không tăng vô tội vạ, họ sẽ không phải chạy theo giá đứt hơi như trước, ngay cả cac shop bán lẻ cũng rất vui mừng, khi giá quá cao người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm sữa cả nội và ngoại, khiến vấn đề kinh doanh rất khó khăn, doanh số bán giảm, lợi nhuận thu về cũng thấp. Giảm giá sữa không chỉ là tín hiệu vui mừng cho người tiêu dùng mà cả cho người kinh doanh ở khâu bán lẻ.

Vì quyền lợi của hàng triệu trẻ em và người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã quyết tâm rất cao trong việc bình ổn giá sữa, người tiêu dùng cũng rất phấn khởi ủng hộ, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu phải chấp hành, phải thấy trách nhiệm đối với xã hội, với thế hệ tương lai của mình,  không thể nhắm mắt chạy theo lợi nhuận.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã chấp hành như thế nào? Có chấp hành đúng bản chất sự việc hay không? Thực tế, đến lúc này, tại nhiều tỉnh trên cả nước, các phóng viên thị sát thị trường cho biết, các doanh nghiệp chỉ giảm giá sữa cho sản phẩm với mẫu mã cũ còn tồn đọng, không sản xuất nữa, còn sản phẩm với mẫu mã mới thì lại tăng giá, thậm chí còn tăng cao hơn trước đây. Ví dụ: với sản phảm sữa Enfagrow A+ của hãng Mead Johnson dành cho trẻ em 1-3 tuổi,  loại 1,8kg,  giá cũ đang bán là 836.000 đồng/hộp, theo thông báo của hãng thì kể từ 21/6 giá bán lẻ tại các đại lý sẽ theo giá mới do Bộ Tài chính quy định với mức 631.000đ/hộp, nhưng, Enfagrow A+ lại được đổi sang mẫu mã mới và lại được bán với giá 894.000đồng/hộp, cao hơn mức cũ và mức quy định của Bộ Tài chính (ghi nhận của PV. tại Huế). Thêm nữa, các công ty có tới hàng chục, hàng trăm mẫu mã sản phẩm nhưng lại chỉ giảm cho một vài sản phẩm, điều này khiến người tiêu dùng đang rất băn khoăn, thắc mắc.

Các shop bán lẻ cũng cho biết, một số công ty sữa thì chấp hành tốt hơn như hãng Abbott thì giảm 5 mặt hàng và giảm đều trong khi hãng Enfa thì chỉ giảm hàng cũ, hàng mới thì không giảm. Người tiêu dùng thắc mắc khi thấy giá sữa giảm không đều, tại sao công ty có nhiều loại nhưng chỉ giảm một số thôi, khiến các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ rất khó trả lời? Không chỉ vậy, khi giá sữa giảm, có loại giảm tới 20-25% khiến người tiêu dùng còn đặt câu hỏi: Tại sao lâu nay các cơ quan quản lý lại không thấy được điều này, để giá sữa đội cao như vậy, khiến ngân quỹ của người tiêu dùng bị tổn thất rất nhiều, có bà mẹ cho biết, vẫn loại sữa đó, trước đây mua được 3 hộp thì nay thậm chí mua được 4 hộp. Có nghĩa là trong bao nhiêu năm nay, họ đã bị “móc túi” quá nhiều.  Câu hỏi này cũng là nỗi niềm nhức nhối của các nhà quản lý, do lâu nay đã chưa đủ lực, chưa đủ điều kiện để có thể quan tâm, xứ lý. Điều này đã đến lúc phải chấm rứt.

Về một số loại  sản phẩm chưa có quy định áp giá trần, Bộ Tài chính đã có Quyết định 1079/QĐ-BTC quy định, mức giá trần của 25 mặt hàng đã áp giá sẽ có tác dụng làm chuẩn, làm căn cứ để cho doanh nghiệp tiếp tục tính toán, xác định giá trần đối với các mặt hàng còn lại, và yêu cầu các công ty cũng phải thực hiện áp giá các loại sữa tương đương giống như với giá các sản phẩm sữa nằm trong danh sách áp giá trần đã được quy định.

Tuy nhiên, để quyết định này đi vào cuộc sống thì cần sự chung tay và quyết tâm cao của các cấp, các ngành cũng như người tiêu dùng, người tiêu dùng phải phản ứng quyết liệt hơn khi phát hiện sai phạm trong khâu bán lẻ, lên tiếng giúp cơ quan chức năng biết các vướng mắc, các hành vi lách luật tinh vi của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính sẽ kết hợp với các cơ quan chức năng (Bộ Công thương, Bộ y tế, quản lý thị trường, thanh tra…) tiến hành kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành quy định giá của các công ty cũng như các shop bán lẻ, khi phát hiện thấy có các hiện tượng vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Và về lâu dài, để phá thế độc quyền, tác yêu tác quái, Nhà nước phải hướng các doanh nghiệp vào xây dựng các trang trại bò sữa (như mô hình trang trại bò sữa lớn của Hoàng Anh Gia Lai), để có nguồn cung cấp sữa nội dồi dào, không phải phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu, đồng thời xây dựng, phát triển quy trình sản xuất sữa bột… chỉ có như vậy mới mong ổn định bền vững nguồn cung sản phẩm và bình ổn giá sữa, giảm giá thực sự cho người tiêu dùng.