Điện hạt nhân: Hành động cho tương lai

Huy Đạt

(Tài chính) Nhìn thấy những lợi ích của điện hạt nhân, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang coi phát triển điện hạt nhân là chiến lược dài hạn, là hành động cho tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguồn năng lượng rẻ và an toàn

Thực tế trên thế giới đã chứng minh, điện hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng rẻ tiền và an toàn. Về mặt chi phí, điện hạt nhân có thể cung cấp điện năng với giá thấp hơn 50% – 80% so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục trong khi nhà máy thuỷ điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Không những thế, việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đơn giản hơn. Nó không đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn, không làm biến đổi chất lượng nước hay làm mất cân bằng sinh thái.

Đối với điện hạt nhân, nhiên liệu sử dụng có khối lượng rất nhỏ. So với nhà máy nhiệt điện chạy than, một nhà máy nhiệt điện hạt nhân có cùng công suất sẽ đòi hỏi nhiên liệu hạt nhân về khối lượng chỉ bằng 1/100.000 lần.

Về lĩnh vực môi trường, chất thải hạt nhân thực sự không đáng sợ bằng chất thải của nhiên liệu hoá thạch hay các dạng phát điện khác vì chúng có số lượng nhỏ và có thể quản lý được. Ngoài ra, lò phản ứng hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân không phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, điện hạt nhân còn có những lợi thế cho phép tiết kiệm 5-10% điện năng trong khâu truyền tải, hệ thống lưới điện vận hành với xác suất xảy ra sự cố thấp hơn…

Hành động cho tương lai

Tại Việt Nam, với những nỗ lực của ngành điện, sản lượng điện sản xuất trong thời gian qua cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, ngành điện cũng đang chịu sức ép từ chi phí sản xuất ngày một gia tăng. Nhiều chuyên gia nhận định, giá điện trước sau gì cũng phải tăng cao, nếu không tăng thì nhà sản xuất điện sẽ bị lỗ.

Bên cạnh đó, nguồn cung điện cũng đang gặp thách thức khi các dự án thủy điện, nhiệt điện đang đầu tư gặp nhiều khó khăn về vốn. Theo số liệu nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhu cầu điện của nước ta đang tăng 17% mỗi năm. Đến năm 2020, nước ta sẽ thiếu khoảng 36 – 65 tỷ KWh điện. Sự thiếu hụt nguồn điện trong nước sẽ ngày càng gay gắt hơn trong những giai đoạn sau đó.

Các nghiên cứu trong nước cũng đã chỉ rõ, muốn khắc phục sự thiếu hụt trên, để giải quyết nhu cầu nguồn năng lượng phục vụ phát triển nền công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chỉ có xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì mới đáp ứng được. Chính vì những lý do trên, ngày 25/11/2009, Quốc hội khóa XII đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận. Ngày 18/3/2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công văn số 460/TTg- KTN về Kế hoạch tổng thể thực hiện dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, công suất khoảng 2.000 MW; Nhà máy Điện hạt nhân Ninh thuận 2, công suất khoảng 2.000 MW điện sẽ được xây dựng từ năm 2015- 2020. Tiếp đó, với việc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để từng bước nâng tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 25%-30% vào giai đoạn 2040 – 2050, dự kiến Việt Nam sẽ xử lý được về cơ bản tình trạng thiếu nguồn cung điện.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015