Điện hạt nhân: Mục tiêu chiến lược về an ninh năng lượng

Trang Huyền

(Tài chính) Ngày 21/11, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo "Điện hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: internet
Theo TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh), dựa trên các yếu tố đánh giá về nguồn năng lượng ở nước ta, hiện các tiềm năng phát triển thủy điện đã cạn kiệt, nhiệt điện đã phải nhập khẩu than, trong khi phát triển điện gió rất tốn kém về kinh phí. Do đó, cần phải tìm ra một nguồn năng lượng mới phù hợp với xu thế và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước và điện hạt nhân có thể xem là lựa chọn cho mục tiêu chiến lược về an ninh năng lượng trong tương lai.

Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về tình hình điện hạt nhân trên thế giới và công tác chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Theo đó, tại Việt Nam, từ năm 2009, điện hạt nhân đã được xem xét và lựa chọn là nguồn năng lượng tiềm năng trong tương lai. Về xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Việt Nam đã hoàn thành các bước nghiên cứu, đánh giá và đưa ra hội đồng thẩm định nhà nước để xem xét, quyết định. Dựa trên các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Việt Nam đã thực hiện được 6/42 nội dung yêu cầu và đang ở giai đoạn chuẩn bị cơ sở hạ tầng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Ông Hoàng Anh Tuấn (Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử) cho biết, trên thế giới hiện có 438 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng công suất 375 GWe; 2 tổ máy đang trong kế hoạch dừng dài hạn (ở Nhật Bản và Tây Ban Nha); 71 tổ máy đang xây dựng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phan Minh Tuấn (Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận - EVNNPB) đã cung cấp một số thông tin về tình hình triển khai hiện nay của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án thành phần như dự án hạ tầng phục vụ thi công các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2016, giai đoạn 2 - hệ thống cấp nước vận hành các nhà máy – năm 2022); khu quản lý vận hành, khu chuyên gia và trụ sở EVNNPB (dự kiến hoàn thành 2016); Trung tâm quan hệ công chúng về điện hạt nhân…

Theo đó, dự án hạ tầng phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận gồm đường giao thông, hệ thống cấp điện, hệ thống cấp nước vận hành và thi công, khu nhà ở, làm việc tại công trường, hàng rào tạm cho hai dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2... đang được chủ đầu tư chuẩn bị khẩn trương. Trong đó, hệ thống cấp nước và cấp điện sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2014.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử, cho biết  hiện tất cả 36 nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương hoàn thành để trình phê duyệt. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng  đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân giai đoạn 2013 – 2020 (với 36 nhiệm vụ chủ yếu, nhóm thành 12 nội dung lớn) và Báo cáo Ban Chỉ đạo Nhà nước với mục tiêu là phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia một cách đồng bộ, toàn diện đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng theo thực tiễn Việt Nam và hướng dẫn của IAEA phục vụ các giai đoạn triển khai Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh và hiệu quả.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã có chương trình nhằm tạo nguồn nhân lực làm việc và vận hành khi nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chính thức được xây dựng và đưa vào hoạt động.