Điện mặt trời áp mái - Lợi ích kép khi đầu tư
Sử dụng điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư, hiệu quả cho các địa phương trong thời điểm hiện nay.
Lợi ích khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái?
Đi cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống năng lượng mặt trời đang dần phổ biến trong vài năm trở lại đây.
Đặc biệt, thiên nhiên đã ưu đãi cho nước ta một vị trí địa lý thích hợp để phát triển nguồn năng lượng mặt trời, trải dài từ Bắc tới Nam với bốn mùa quanh năm có nắng, là những cơ hội thuận lợi để chúng ta phát triển nguồn năng lượng này.
Việc sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời sẽ góp phần tiết kiệm điện, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh đồng thời bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, việc lắp đặt không tốn diện tích đất; Giúp tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình; Có quy mô nhỏ, lắp đặt phân tán nên được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu, không cần đầu tư thêm hệ thống lưới điện truyền tải.
Hiện nay, hệ thống năng lượng mặt trời được lắp đặt nhiều ở các mái nhà trong thành phố, khu công nghiệp đã có tác dụng làm giảm quá tải lưới điện truyền tải từ các nguồn điện truyền thống, thường đặt ở xa các trung tâm đông dân.
Ngoài ra, điện mặt trời áp mái với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa; dễ dàng huy động các nguồn vốn.
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để sản xuất 1 MW điện năng lượng Mặt Trời, phải cần tới 1ha đất triển khai dự án. Vì vậy, điện Mặt Trời áp mái đang được nhiều doanh nghiệp triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 (xét triển vọng đến năm 2030), đến năm 2020 tổng công suất nguồn điện quốc gia cần đạt 60.000 MW, tới năm 2025 là 96.000 MW và năm 2030 là 130.000 MW. Tuy nhiên, hiện nay tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống của nước ta mới đạt 45.000 MW.
Do đó, trong quy hoạch đã xác định việc ưu tiên phát triển nguồn điện từ năng lượng mặt trời, sẽ nâng công suất đặt từ 6-7 MW năm 2017 lên 850 MW vào năm 2020 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030, tương đương với 1,6 và 3,3% tổng công suất của cả nguồn điện.
Chính vì vậy, để tận dụng diện tích mặt bằng mái lớn tại các khu dân cư, doanh nghiệp vốn đã có sẵn cơ sở hạ tầng điện lưới đầy đủ, thuận tiện trong việc nối lưới, điện mặt trời áp mái được đánh giá là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.
Ngoài ra, phát triển ÐMT mái nhà đem lại lợi ích cho Nhà nước và người sử dụng điện. Ðó là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao (nếu được khuyến khích đầu tư), giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện.
Theo ước tính, chỉ cần khoảng hai triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMT mái nhà với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm tương ứng khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than.
Được phép bán điện cho EVN
Đáng chú ý, việc lắp đặt ĐMT áp mái ngoài tiết giảm chi phí điện tối đa cho gia đình, điểm nổi bật của hệ thống điện này là khi có lượng điện dư không sử dụng, khách hàng có thể bán lại cho ngành Điện, với mức giá trung bình là 2.068 đồng/ kWp (Theo quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Sử dụng ĐMTAM không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ ĐMTAM
Hiện nay, các dự án điện Mặt Trời đang được triển khai mạnh mẽ tại Việt Nam sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện Mặt Trời.
Tính đến tháng 4/2019, đã có 1.379 khách hàng trên địa bàn TP.HCM lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà. Ngày 9/05/2019, người dân đầu tư điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM lần đầu tiên được trả tiền điện sau một thời gian phát điện lên lưới.
Ngày 11/4/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, trong đó có nêu giá bán điện từ các nhà máy ĐMT, bao gồm cả từ trang trại ĐMT và ĐMTAM là 9,35 US cent/ kWh (2086 đồng/ kWh theo tỷ giá chuyển đổi năm 2017).
Sau đó đã có Thông tư 16 /2017 /TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT đã có các nội dung khuyến khích và hướng dẫn bên mua điện (các đơn vị điện lực thuộc EVN) và bên bán điện lập hợp đồng mua bán điện trên cơ sở Hợp đồng mẫu được Bộ Công Thương ban hành.
Để khuyến khích hơn nữa phát triển ĐMTAM, ngày 8/1/2019 Thủ tướng Chính phủ lại ban hành Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg của về sửa đổi một số điều của Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, trong đó thay vì hộ đầu tư ĐMTAM chỉ bán phần dư của điện từ nguồn ĐMTAM như quy định trước (qua cơ chế bù trừ), thì sẽ được bán toàn bộ lượng điện sản xuất từ ĐMTAM với giá ưu đãi, còn vẫn mua riêng rẽ điện của EVN với giá hiện hành (bình quân 1720 đồng/ kWh) qua điện kế 2 chiều.
Tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù phải mua điện từ các nguồn ĐMT với giá cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành, nhưng xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, EVN đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích ĐMTAM.
Cụ thể, EVN đã có các văn bản số 1337/EVN-KD ngày 21/3/2018 và văn bản số 5113/EVN-KD ngày 9/10/2018 gửi các tổng công ty điện lực và Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ Thông tin về việc hướng dẫn tạm thời đối với các dự án ĐMT trên mái nhà, trong đó có các hướng dẫn ban đầu để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và tư nhân đầu tư phát triển ĐMTAM.
Nhằm khuyến khích phát triển ĐMTAM, đầu tháng 5/2019, ngân hàng HDBank cho biết, sẽ tài trợ đặc biệt cho các dự án điện mặt trời áp mái. Cụ thể: Doanh nghiệp đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà sẽ hưởng ưu đãi vốn vay tại HDBank với tỷ lệ 70%, thời hạn cho vay 5 năm.
Tài sản đảm bảo chính là hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với mức tài trợ lên đến 10 tỷ đồng. Ưu đãi này dành cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp trên cả nước. Đồng thời, doanh nghiệp còn được HDBank hỗ trợ đối tác liên kết chuyên lắp đặt, thi công, bảo trì, bảo hành hệ thống.