Điện mặt trời mái nhà từ khuyến khích đến kêu cứu: Đâu là lời giải?
Câu chuyện tiết giảm sản lượng điện năng lượng mặt trời ở miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa có lời kết khi ngành điện và các doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung. Đã đến lúc các bên cần ngồi lại để tháo gỡ vướng mắc theo hướng đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa doanh nghiệp và ngành điện.
Cần một tiếng chung
Hàng nghìn chủ đầu tư dự án năng lượng mặt trời đến nay vẫn gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng về việc tiết giảm công suất phát lưới tại các dự án năng lượng mặt trời. Các chủ đầu tư đều chia sẻ khó khăn của ngành điện trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp năng lượng mặt trời cũng mong muốn ngành điện cần san sẻ khó khăn đối với chủ đầu tư bởi dịch bệnh gây ảnh hưởng chung cho toàn xã hội, không chừa bất cứ ai.
Tại Khánh Hòa, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn Điện lực Khánh Hòa và chủ đầu tư cần ngồi lại với nhau tìm tiếng nói chung. Ông Vương Anh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Tam Hiệp Phát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) - đề xuất, theo hợp đồng mua bán điện với Công ty Điện lực Khánh Hòa, thời gian chủ đầu tư hưởng ưu đãi giá bán điện trong khoảng thời gian 20 năm. Nếu tiết giảm sản lượng điện, công ty điện lực có thể xem xét kéo dài thời gian mua điện thay vì 20 năm như đã ký.
“Điện mặt trời mái nhà là nguồn năng lượng được ưu tiên mua trước tiên theo tinh thần Quyết định 13 của Chính phủ. Trong trường hợp bắt buộc phải tiết giảm sản lượng điện năng lượng mặt trời, công ty điện lực phải làm rõ lý do tiết giảm, phương thức tiết giảm và số lượng sản lượng điện bị tiết giảm…” - ông Vương Anh Dũng nói.
Tương tự, ông Nguyễn Tăng Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Đạt (Đắk Nông) - cho hay, các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện cần đề nghị với ngân hàng giảm lãi suất trong thời gian dịch bệnh và sa thải của ngành điện cho đến khi ngành điện huy động hết công suất trở lại.
"Hằng tháng, ngành điện cần công khai với chủ đầu tư từng khu vực ai thực hiện, ai không thực hiện tiết giảm sản lượng điện. Lãnh đạo ngành điện phải thoả thuận, thống nhất với các chủ đầu tư trước khi cắt điện" - ông Hưng nêu quan điểm.
Tiết giảm để cân đối tài chính
Theo giải thích của ông Trần Đăng Hiền - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, việc thực hiện giảm huy động từ nguồn điện mặt trời mái nhà nhằm cân bằng giữa nguồn điện và phụ tải sử dụng điện, bảo bảo an toàn hệ thống điện, thực hiện kế hoạch huy động nguồn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung.
Trước những kiến nghị của chủ đầu tư, Điện lực Khánh Hòa đã có báo cáo Tổng Công ty Điện lực miền Trung để xin ý kiến tháo gỡ cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, ông Hà Văn Chương - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk - thừa nhận, nếu phụ tải sử dụng vẫn giảm mạnh như thời gian vừa qua thì rất khó khăn trong việc mua điện năng lượng mặt trời.
Tuy vậy, có một tín hiệu tích cực là tình hình dịch bệnh ở nhiều địa phương cũng đã thuyên giảm; các cơ sở sản xuất kinh doanh dần hoạt động trở lại. Ông Chương hy vọng khi đó phụ tải sử dụng điện sẽ tăng lên, kéo việc huy động nguồn phát điện mặt trời mái nhà sẽ tăng lên.
Ở diễn biến khác, vào tháng 7/2021 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) có văn bản báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch tài chính năm 2021. EVNCPC kiến nghị EVN xem xét, giao kế hoạch phù hợp với khả năng thực hiện của đơn vị hoặc phân bổ sản lượng tiết giảm nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực và đề xuất tiết giảm thêm điện mặt trời mái nhà từ ngày 15/.8.
Trong văn bản gửi EVN, ông Ngô Tấn Cư - Tổng Giám đốc EVNCPC có nêu: Trong khi chờ điều chỉnh kế hoạch năm 2021 của ECN, EVNCPC xin phép tiến hành kết giảm sản lượng điện mặt trời mái nhà kể từ ngày 15/8 để giảm thiểu rủi ro tài chính của tổng công ty.