Điều chỉnh dự án, dành lại bờ biển cho người dân
Đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trong phiên chất vấn tại Quốc hội sáng 5/6. Theo Phó Thủ tướng, sẽ xử lý nghiêm và thu hồi lại các dự án lấn chiếm đất đai tại các bãi biển, bờ sông; đồng thời yêu cầu các địa phương điều chỉnh lại dự án để dành lại bờ biển cho người dân sử dụng.
Chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) và đại biểu Phan Văn Hoà đặt câu hỏi việc bờ sông, bờ biển bị tư nhân hoá khiến người dân không có lối xuống biển tắm và lo trong tương lai, đặc khu Phú Quốc sẽ gặp tình cảnh như vậy.
Đồng thời, đại biểu Hòa đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát lại toàn bộ bờ sông, bờ biển của Việt Nam không để doanh nghiệp, nhà đầu tư lấn chiếm vừa sai luật, vừa bất công với người dân vì dân không có lối xuống biển tắm.
Phát triển du lịch, lấn chiếm bờ biển
Để phát triển ngành du lịch, các tỉnh ven các bờ biển đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư những khu nghỉ dưỡng cao cấp. Các tuyến đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa (Đà Nẵng) đã biến thành những con đường "5 sao" nhưng những bãi tắm công cộng dành cho người dân đã bị thu hẹp, lối đi ra biển ngày một bị bưng bít…
Tại Bình Thuận, suốt chiều dài 15 km từ Hàm Tiến nối với Mũi Né hiện dày đặc các resort. Hầu hết các địa danh nổi tiếng về biển trên cả nước, người dân đã mất dần lối xuống biển tắm.
Trước đó, từ năm 2010, tại Đà Nẵng, người dân quận Thanh Khê ngỡ ngàng khi The Sunrise Bay dựng dãy hàng rào kín mít chiếm trọn mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành. Người dân nơi đây không chỉ mất biển, mất bãi tắm, mà bờ biển trải dài dành cho ngư dân các làng chài này neo đậu tàu thuyền cũng bị xóa sổ.
Mới đây, trả lời báo chí, lãnh đạo phường Hàm Tiến (TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết hiện nay ở khu vực này đã có hai con đường xuống biển, tuy nhiên, thực chất từ cuối phường Hàm Tiến giáp với Mũi Né không có con đường nào cho dân xuống biển.
Trả lời chất vấn hai đại biểu nêu trên về tình trạng này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện đã có Luật Tài nguyên biển, Luật biển, trong đó quy định rõ hành lang bờ biển, sông, nên không cần thêm quy định mà chỉ cần thực hiện đúng kỷ cương, kỷ luật.
Vị Bộ trưởng này dẫn thực tế, thời gian qua, TP. Đà Nẵng đã lấy lại bãi tắm cho người dân. "Tại sao Đà Nẵng làm được, vì dựa trên cơ sở luật đã có", ông Hà nói. Nhưng lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng với những trường hợp thực hiện theo quy định của Nhà nước trước khi có luật thì cần được xem xét nhiều yếu tố; trường hợp từ khi có luật thì phải thực hiện nghiêm theo luật.
Ông cũng khẳng định theo quy định hiện hành, toàn dân đều có quyền hưởng môi trường biển. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền của dân, sự vào cuộc của chính quyền địa phương là cần thiết.
Các địa phương cần chấn chỉnh
Phát biểu giải trình thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo kiểm tra, rà soát toàn bộ các dự án đầu tư ven biển. Yêu cầu các địa phương điều chỉnh lại dự án để dành lại bờ biển cho người dân sử dụng.
Liên quan đến công tác quản lý đất đai đặc biệt ở đô thị, các khu vực phát triển kinh tế, khu bờ biển, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết trong năm qua, công tác quản lý đất đai có nhiều chuyển biến, góp phần lập lại trật tự trong quản lý đất đai. Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác này còn hạn chế, công tác quy hoạch xây dựng chưa quan tâm đến không gian công cộng. Đặc biệt, các khu du lịch không có chỗ để xuống bãi biển.
Bên cạnh đó, tình trạng giao đất thực hiện các khu đô thị không theo kế hoạch, quy hoạch, dẫn đến nhiều dự án không được triển khai. Tình trạng sử dụng đất sai mục đích, trái phép vẫn chưa được khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chính phủ đã có nhiều văn bản chấn chỉnh. Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ thị 01/2018 về chấn chỉnh tăng cường quản lý đất đai.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đất đai; quản lý không gian biển, bờ sông; chú trọng dành quỹ đất cho không gian công cộng, bãi xe, dịch vụ đô thị…
Bên cạnh đó, công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị, dịch vụ để người dân giám sát; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phát triển đô thị, du lịch. Rà soát các dự án cho thuê đất, chuyển đổi mục đích đúng quy hoạch, thu hồi dự án sai quy hoạch; Ngăn chặn giao dịch bất hợp pháp ở một số địa phương.
Đặc biệt, kiểm tra toàn bộ dự án đầu tư ven biển. Yêu cầu điều chỉnh lại dự án để dành lại bờ biển cho người dân sử dụng. Thu hồi xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm đất đai tại các bãi biển, bờ sông. Công khai minh bạch giá đất tại các khu đô thị, dịch vụ trong đó hoàn thiện pháp luật đối với đấu giá đất vàng ở các địa phương trong tất cả các dự án BT, BOT…