Điều gì làm nên sức hút của AIIB?
(Tài chính) Bất chấp sự phản đối của Mỹ, ngày càng có nhiều các nước phương Tây nộp đơn xin đăng ký làm thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) - định chế tài chính do Trung Quốc khởi xướng - khi thời hạn chót 31.3 đang đến gần. Con số ước tính sẽ lên tới 31 nước khi Bắc Kinh khóa sổ. Điều gì khiến AIIB có sức hút mạnh mẽ như vậy?
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Anh đã nổ phát súng đầu tiên với tuyên bố về ý định gia nhập thể chế tài chính đang trong giai đoạn hình thành này. Tiếp đến là hàng loạt đồng minh châu Âu kiên định nhất của Mỹ gồm Đức, Pháp, Italy, Luxembourg và Thụy Sỹ. Gần đây nhất, hãng tin Bloomberg của Mỹ cho biết Canada cũng đang xem xét khả năng gia nhập AIIB. Như vậy, trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chỉ còn Mỹ và Nhật Bản đứng ngoài cánh cửa của AIIB. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai đồng minh quan trọng khác của Mỹ là Hàn Quốc và Australia cũng đang trong công đoạn cuối để đưa ra quyết định có gia nhập AIIB hay không.
Đến thời điểm này, Mỹ cũng dịu giọng hơn khi nói về AIIB. Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế - ông Nathan Sheets - cho biết Mỹ hoan nghênh sự ra đời của các tổ chức tài chính đa phương góp phần củng cố sức mạnh của hệ thống tài chính thế giới. Theo ông, việc hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ hướng AIIB vào vai trò bổ sung thay vì cạnh tranh với các tổ chức này. Trước đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cũng nói rằng IMF sẵn lòng hợp tác với AIIB, đồng thời tin tưởng WB cũng có thái độ tương tự.
Câu hỏi đặt ra là điều gì làm nên sức hấp dẫn của AIIB? Thể chế này do Trung Quốc đứng đầu và có trụ sở tại Bắc Kinh, dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm nay nhằm thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực vận tải, năng lượng, viễn thông và các cơ sở hạ tầng của châu Á. Đây là một dự án nhiều tham vọng khi người đứng đầu là Trung Quốc có dự trữ ngoại tệ lên tới gần 4.000 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng dự trữ ngoại tệ thế giới. Với lượng dự trữ ngoại tệ hùng hậu này, Trung Quốc đã ấp ủ ý tưởng thành lập một ngân hàng ở châu Á nhằm đối trọng với WB, cũng như ADB - nơi Mỹ và các đồng minh là những nhà tài trợ lớn nhất. Trung Quốc từng khẳng định sẽ đóng 50% số vốn đầu tư vào ngân hàng này. Việc thành lập AIIB được đánh giá là có ý nghĩa to lớn về kinh tế cũng như địa - chính trị và là biểu tượng cho một xu hướng phát triển quan trọng của lịch sử. Theo kế hoạch, AIIB sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015.
Sự ra đời của AIIB xuất phát từ nhu cầu thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới - chiếm 60%, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng. Theo ước tính của ADB, trước cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á chiếm tới 60% toàn cầu. Theo dự báo, đến 2050, GDP bình quân đầu người ở khu vực châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay. Nói cách khác, châu Á đang có tiềm năng và triển vọng phát triển hết sức to lớn.
Hơn nữa, khác với nhiệm vụ và nghiệp vụ của IMF cũng như WB là mang tính toàn cầu thì trên thực tế, AIIB có tính chất khu vực, có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á, thúc đẩy sự phát triển khu vực châu Á không chỉ giúp nhiều người thoát nghèo, mà còn có thể làm gia tăng tầng lớp trung lưu ở khu vực này, tạo ra thị trường tiêu thụ cực lớn cho nền kinh tế khác bên ngoài châu lục.
Một điều dễ nhận thấy là việc AIIB xuất hiện không chỉ phản ánh xu hướng phát triển hướng tới khu vực châu Á của các trung tâm tài chính toàn cầu, mà còn cho thấy sự nổi lên mạnh mẽ của Trung Quốc, một dấu hiệu của sự tái thiết lập vị thế của mình trên thế giới. Các thể chế tài chính quốc tế mà hạt nhân là IMF và WB đều theo đuổi những giá trị và mục tiêu của phương Tây. Vì vậy, sự xuất hiện của AIIB tất yếu bị xem là một thách thức đối với các thể chế tài chính hiện có. Hơn nữa, nếu xu hướng các trung tâm kinh tế hiện nay dịch chuyển về phía Đông không thay đổi, có khả năng AIIB sẽ làm thay đổi hiện trạng, thậm chí thay thế các trung tâm tài chính của phương Tây.
Các nhà phân tích cho rằng, việc Anh và các nước châu Âu gia nhập AIIB chủ yếu xuất phát từ lợi ích kinh tế, lựa chọn Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế tại châu Âu vẫn rất ảm đạm. Các nước châu Âu lớn rõ ràng đã kết luận rằng họ không thấy có lý do gì để hy sinh những cơ hội kinh tế giá trị nhằm hỗ trợ những mục tiêu chiến lược của Mỹ khi Washington không có khả năng hoặc không muốn cung cấp thứ gì để đổi lại.