Sau cuộc chiến thương mại là chiến tranh tiền tệ
Cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ - Trung làm phát sinh thêm cảnh báo về chiến tranh tiền tệ.
Từ 6/7, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thực sự khai hỏa bằng việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cao với quy mô giá trị hàng hóa 34 tỷ USD từ Trung Quốc, cùng với sự đáp trả của Trung Quốc với quy mô tương tự.
Sau đó, Mỹ đưa ra mức thuế đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hoá và dự kiến tiếp tục tăng lên 500 tỷ USD- tương đương với tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc, lớn gấp 3 lần tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ.
Cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi xướng thuần túy là về hàng hóa (sản xuất vật chất) nhằm ngăn chặn, hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc (lên đến mức trên 300 tỷ USD). Cuộc chiến tranh tiền tệ là sự ứng phó của Trung Quốc ở tầm mức cao hơn, rộng hơn cuộc chiến tranh thương mại, không chỉ về hàng hóa mà cả dịch vụ, chủ yếu thông qua phá giá đồng nội tệ so với USD.
Trước đây, Mỹ thường tố cáo Trung Quốc giữ giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp để có lợi thế trong quan hệ xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt với Mỹ. Cách đây 3 năm, Trung Quốc đã từng phá giá mạnh đồng NDT; khi đó Việt Nam cũng đã “vượt trước ngăn chặn” bằng việc tăng tỷ giá VND/USD (làm cho tỷ giá VND/USD cuối năm so với đầu năm 2015 tăng 5,34% và bình quân năm tăng 3,16%- cao hơn tốc độ tăng của 3-4 năm trước).
Nay chỉ trong 3 tháng, NDT đã giảm giá 8%- nhằm làm cho giá hàng hóa xuất khẩu rẻ hơn, có sức cạnh tranh mạnh hơn. Việc Trung Quốc phá giá NDT, một mặt nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang yếu đi và có khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm nay, mặt khác để ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại mở rộng của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại cùng với việc phá giá NDT của Trung Quốc ảnh hưởng tới Việt Nam trên 2 mặt chủ yếu. Theo đó, nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc (cả chính ngạch và tiểu ngạch) sẽ tăng cao lên. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tăng chậm lại, làm cho nhập siêu tăng trở lại.
Điều quan trọng là, tỷ giá VND/USD sẽ tăng lên (trên thị trường tự do đã vượt 24000đ/USD) nên Việt Nam cần kiên trì thực hiện các biện pháp điều hành tiền tệ đã thực hiện (tỷ giá trung tâm, lãi suất tiền gửi USD bằng 0%); mặt khác cần chủ động hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc.