Điều hành tỷ giá - Công cụ lãi suất đang phát huy hiệu lực


Theo PGS.,TS. Phạm Thị Hoàng Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng), năm 2018 là một năm tương đối khó khăn với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam khi các yếu tố gây biến động tỷ giá lại không hoàn toàn xuất phát từ cung cầu trên thị trường ngoại hối Việt Nam, mà nó xuất phát từ các yếu tố nước ngoài như điều hành lãi suất của Fed, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Linh hoạt trong điều hành tỷ giá

Tỷ giá hối đoái là vấn đề luôn được các Chính phủ, tổ chức kinh tế và các cá nhân trong nền kinh tế quan tâm, nhất là đối với những nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam. Sự biến động mạnh của tỷ giá có tác động tiêu cực tới biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu, nợ công… Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối là một trong những mục tiêu quan trọng mà NHNN luôn hướng tới, giúp ổn định thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Năm 2018, vượt qua những thách thức khó khăn, NHNN Việt Nam đã thực thi khá linh hoạt một số biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá trên thị trường, cụ thể như sau:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục phát đi thông điệp về điều hành chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt nhằm ổn định lạm phát, kinh tế vĩ mô. Biện pháp này góp phần làm gia tăng niềm tin của công chúng vào hoạt động điều hành của NHNN và giá trị nội tệ, qua đó góp phần ổn định thị trường tài chính nói chung và thị trường ngoại hối nói riêng.

Thứ hai, NHNN đã can thiệp trực tiếp thông qua việc bán ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối nhằm cân xứng kịp thời lượng cung cầu trên thị trường ngoại hối, qua đó giảm áp lực tới tỷ giá hối đoái. Theo tính toán, dự trữ ngoại hối tại thời điểm quý III/2018 là khoảng 60 tỷ USD. Như vậy, trong giai đoạn tỷ giá căng thẳng trên thị trường ngoại hối, NHNN đã cung một lượng ngoại tệ tương ứng khoảng 3 - 4 tỷ USD ra thị trường ngoại hối nhằm bình ổn thị trường.

Thứ ba, NHNN Việt Nam đã có động thái điều hành, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, NHTM đẩy mặt bằng lãi suất VND tại các kỳ hạn tăng lên quanh mốc 4% nhằm duy trì mức hấp dẫn đối với các tài sản ghi bằng nội tệ so với tài sản bằng ngoại tệ, qua đó giảm tâm lý đầu cơ nắm giữ tài sản bằng ngoại tệ.

Có thể thấy, điểm khá đặc biệt trong cách thức điều hành tỷ giá của NHNN so với trước, đó là NHNN đã sử dụng các công cụ mang tính thị trường hơn là các công cụ mang tính áp đặt hành chính. Điều này thể hiện sự quyết tâm theo đuổi cơ chế tỷ giá trung tâm linh hoạt và định hướng thị trường của NHNN Việt Nam. Công cụ lãi suất đang phát huy hiệu lực trong điều hành tỷ giá của NHNN Việt Nam. Sự điều chỉnh có định hướng khá linh hoạt của NHNN đối với công cụ lãi suất cũng đã góp phần điều chỉnh hành vi, tâm lý của các thành viên trên thị trường, qua đó ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Khuyến nghị điều hành tỷ giá năm 2019

Từ diễn biến thực tế trên thị trường hiện nay, theo bà Phạm Thị Hoàng Anh, năm 2019, NHNN cần thực hiện một số chính sách nhằm giúp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Cụ thể:

Một là, NHNN tiếp tục kiên định mục tiêu bình ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy sản xuất và tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến kiềm chế lạm phát. NHNN cũng cần điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng có thận trọng.

Hai là, tiếp tục kiên định với các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa, tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, cần chú ý đặc biệt tới tình trạng đô la hóa tiền mặt trong nền kinh tế, vì từ đó có thể giảm quy mô của mục sai số thống kê trong cán cân thanh toán quốc tế. 

Ba là, triển khai triệt để chủ trương chuyển toàn bộ từ quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán ngoại tệ. Trên thực tế, việc ban hành Thông tư số 24/2015/TT-NHNN chủ trương cho vay ngoại tệ đối với các DN có nguồn thu ngoại tệ là một lựa chọn phù hợp trong bối cảnh đó, nhằm đạt được các mục đích như: Góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời giúp các DN tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn so với vay VND, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều này phần nào đã tạo áp lực tới thị trường ngoại hối khi các khoản vay bằng ngoại tệ đến hạn phải trả.

Về nguyên lý, NHNN chỉ cho các DN có nguồn thu ngoại tệ vay nhưng sự cân xứng các dòng tiền ngoại tệ vào ra tại một số thời điểm nhất định (cuối năm) cũng có thể khiến cho thị trường căng thẳng. Chính vì vậy, NHNN cần bám sát diễn biến tăng trưởng tín dụng ngoại tệ để có những can thiệp kịp thời tới nền kinh tế.

Bốn là, NHNN cần phát đi những thông điệp mạnh mẽ hơn nữa, nhất quán trong điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng các mô hình kinh tế lượng để có thể dự báo sớm hơn những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối và có những biện pháp ứng phó kịp thời...