Điều tiết nguồn thu từ đất các địa phương
Luật Đất đai năm 2013 hoàn toàn thiếu vắng cơ chế điều tiết giữa các địa phương, vùng miền để đảm bảo lợi ích cho các địa phương có tỷ lệ đất nông nghiệp lớn.
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai, với trọng tâm là đảm bảo “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội”, đã đề ra giải pháp khắc phục.
Cụ thể, Nghị quyết 18 đề ra nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai để “có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương”.
Thể chế hóa cơ chế điều tiết
Thể chế hóa định hướng trên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định “Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành về ngân sách trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm an ninh, quốc phòng...”
Đảng và Nhà nước đã nắm bắt thực trạng các địa phương “thiệt thòi” về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, có mức độ đầu tư kết cấu hạ tầng chưa cao hoặc ở vị trí có tính chiến lược về quốc phòng, an ninh dẫn đến không thể triển khai các dự án phát triển kinh tế.
Để đảm bảo công bằng, cần thiết phải điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành phát triển nhiều khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch... nhằm phân bổ cho các địa phương chưa có điều kiện phát triển kinh tế...
Đây là một nội dung rất mới trong chính sách đất đai, thể hiện tầm nhìn của Đảng và Nhà nước trước vấn đề thời cuộc. Bởi thời gian qua xuất hiện tình trạng các địa phương “chạy đua” triển khai các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, sân golf... theo phong trào, dẫn đến đầu tư tràn lan, dàn trải, cạnh tranh lẫn nhau, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp thấp.
Đa mục đích sử dụng đất
Mặc dù, Ngân sách Nhà nước sẽ được điều tiết giữa các tỉnh để đảm bảo công bằng xã hội. Nhưng chỉ điều tiết ngân sách “cho con cá” thôi chưa đủ, điều quan trọng là cần tạo cơ chế, động lực để người dân có thể tự tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập trên đất của mình “cho cần câu”.
Nghị quyết 18 đã gợi mở hướng đi mới thông qua chính sách “đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích”. Nghị quyết nêu giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng “tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất”; “bổ sung các quy định về đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ”.
Tinh thần đổi mới của Luật Đất đai (sửa đổi) là chuyển từ chế độ sử dụng đất đơn nhiệm (mỗi thửa đất chỉ có một mục đích) sang chế độ sử dụng đất đa nhiệm (kết hợp nhiều mục đích).
Tích tụ ruộng đất
Ngoài ra, để cải thiện sinh kế của người nông dân thì cần giúp họ trở thành “nông dân chuyên nghiệp” bằng cách thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để triển khai các dự án nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Hiện nay cả nước có khoảng 14 triệu hộ nông dân sản xuất trên khoảng 70 triệu thửa đất nông nghiệp, tổng diện tích hơn 10 triệu ha đất; trên 80% số hộ nông dân có diện tích canh tác dưới 1ha/hộ.
Nghị quyết 18 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề ra cơ chế hữu hiệu để đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất nông nghiệp: thông qua Ngân hàng đất nông nghiệp - là DNNN do Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Khi Ngân hàng đất nông nghiệp ra đời, người nông dân muốn chuyển đổi sang lĩnh vực phi nông nghiệp có thể gửi đất vào ngân hàng để vừa yên tâm chuyển đổi nghề nghiệp, duy trì thu nhập mà không lo lắng đất do bỏ hoang. Người nông dân cũng có thể trở thành “công nhân sản xuất nông nghiệp” trong dự án nông nghiệp trên phần đất của mình.