Nhận định thị trường tuần 7/7- 11/7:
Bức tranh lợi nhuận quý II định hình lại cuộc chơi
Sau khi tận dụng trọn vẹn “sóng vĩ mô” trong tháng 6, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang cho thấy dấu hiệu chuyển nhịp sang giai đoạn phân hóa theo kết quả kinh doanh. Tâm lý tích cực vẫn được duy trì, nhưng dòng tiền đã bắt đầu chọn lọc và ưu tiên cổ phiếu có nội lực tăng trưởng trong quý II. Cuộc chơi giờ không còn là tất cả cùng lên, mà là chọn đúng cổ phiếu đi xa.

Dòng tiền xoay trục, thị trường giữ nhịp ổn định
TTCK Việt Nam tuần giao dịch từ phiên 30/6 đến 4/7 ghi nhận chuỗi tăng điểm liên tiếp trong 3 phiên đầu tuần, phản ánh tâm lý tích cực từ nhà đầu tư trước loạt thông tin hỗ trợ về môi trường vĩ mô và thương mại.
Nhóm cổ phiếu chủ chốt, cùng với một số ngành liên quan đến xuất khẩu như thủy sản, dệt may, ghi nhận mức tăng ấn tượng nhờ kỳ vọng vào sức bật doanh thu trong quý II. Đáng chú ý, đà tăng không đến từ sự lan tỏa toàn thị trường mà có sự lựa chọn rõ nét, khi dòng tiền hướng vào các cổ phiếu có câu chuyện riêng, tiềm năng kết quả kinh doanh tích cực và hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, trong phiên ngày thứ Năm, TTCK điều chỉnh nhẹ trước áp lực chốt lời của nhà đầu tư – diễn biến cho thấy trạng thái “tin ra là bán” vẫn còn chi phối tâm lý trong ngắn hạn. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn, bắt đầu phân hóa danh mục và tập trung vào yếu tố cơ bản doanh nghiệp, khi sóng thông tin vĩ mô đang dần hạ nhiệt.
Mặc dù vậy, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng điểm trong phiên cuối tuần, nhờ lực đẩy của nhóm cổ phiếu công nghệ và sự hồi phục ở nhóm cổ phiếu chứng khoán – phản ánh niềm tin vào triển vọng nâng hạng thị trường và sự cải thiện thanh khoản nội. Theo các chuyên gia của VNDIRECT Research, việc nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng đều trong tuần cũng phần nào phản ánh kỳ vọng vào kết quả lợi nhuận quý II khả quan, khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao và giao dịch margin có xu hướng tăng trở lại.
Khối ngoại cũng là điểm sáng trong tuần qua khi ghi nhận giá trị mua ròng lớn trong ba phiên cuối tuần, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và định giá hợp lý. Dòng vốn ngoại quay trở lại không chỉ là yếu tố hỗ trợ tâm lý mà còn là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tái thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư trong bối cảnh môi trường lãi suất toàn cầu ổn định và câu chuyện nâng hạng thị trường được đẩy mạnh trở lại.
Kết thúc tuần 30/6–4/7, chỉ số VN-INDEX đóng cửa ở mức 1.345,74 điểm, tăng 1,1% so với tuần trước, đánh dấu chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp kể từ giữa tháng 6/2025. Dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu cơ bản, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh ngắn trong phiên thứ Năm – phản ánh trạng thái “tin ra là chốt lời”.
Các nhóm ngành như công nghệ, chứng khoán và xuất khẩu vẫn thu hút sự quan tâm, nhưng nhịp tăng đã có phần chọn lọc hơn, báo hiệu thị trường đang bước vào giai đoạn phân hóa mạnh theo kỳ vọng kết quả kinh doanh.
Bức tranh lợi nhuận quý II sẽ định hình lại khẩu vị thị trường
Bước sang tuần giao dịch mới (7/7-11/7), các chuyên gia cnhận định thị trường sẽ dần chuyển hướng sự chú ý sang bức tranh kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết. Trên phương diện kỹ thuật, VNDIRECT Research duy trì quan điểm đưa ra cách đây hai tuần rằng chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu thế tăng ngắn hạn, với mục tiêu hướng tới vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.400 điểm.
Tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm ước đạt 7,5 – 7,6% – mức cao nhất trong gần hai thập kỷ – cùng với sự phục hồi mạnh mẽ ở xuất khẩu, theo các chuyên gia của VNDIRECT Research, trong bối cảnh vĩ mô tích cực, tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2025 có thể đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua, xấp xỉ 7,5-7,6%, xuất khẩu 6 tháng tăng khoảng 14,4%, tổng mức đầu tư toàn xã hội 6 tháng tăng 9,8%, FDI thực hiện 6 tháng tăng 8,1% và đặc biệt là tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 26/6 đạt 8,3%, thì bức tranh kết quả kinh doanh quý II của thị trường sẽ có nhiều gam màu sáng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh kỹ thuật để tái cơ cấu danh mục, ưu tiên gia tăng tỷ trọng ở các nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý II tích cực như ngân hàng, chứng khoán, tiêu dùng và bán lẻ.