Định giá cổ phiếu ngân hàng đang ở mức hấp dẫn
Công ty cổ phần chứng khoán VPBank (VPBankS) đánh giá, với bối cảnh tươi sáng hơn của nền kinh tế, thì P/B (chỉ số đo lường giá cổ phiếu so với giá trị của công ty theo sổ sách) của ngành Ngân hàng hiện tại đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
Diễn biến vượt trội so với VN-Index
Đề cập về diễn biến giá cổ phiếu ngành Ngân hàng trong báo cáo mới về triển vọng ngành trong cuối năm 2024, VPBankS nêu, 12/27 ngân hàng hiện đang có diễn biến giao dịch vượt trội hơn so với VN-Index và hầu hết các ngân hàng là ngân hàng tư nhân, chỉ duy nhất CTG là ngân hàng quốc doanh.
Từ đầu năm đến nay, LPB tăng trưởng giá gấp đôi do ghi nhận tăng trưởng tín dụng và kết quả kinh doanh nửa đầu năm khá vượt trội so với lịch sử cùng với việc đổi tên để phản ánh việc thoái vốn từ LienvietPost.
Cùng với đó là TCB với câu chuyện cổ tức nhưng đã được phản ánh vào giá. MBB, HDB, ACB, CTG tăng giá ổn định và phản ánh kết quả kinh doanh nằm trong Top đầu thị trường trong nửa đầu năm 2024.
Hiện tại, P/B của ngành Ngân hàng đang giao dịch quanh mức 10 năm là 1,55 lần, tương đương với mức giảm khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và tình hình nợ xấu tăng cao trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng chung tới sức khỏe của cả hệ thống.
Tuy nhiên, VPBankS cho rằng với bối cảnh tươi sáng hơn của nền kinh tế, thì P/B hiện tại đang giao dịch ở mức khá hấp dẫn.
Chi trả cổ tức: Dấu hiệu ngân hàng ít rủi ro hơn
Đề cập tới câu chuyện chia cổ tức của các nhà băng, VPBankS cho biết, năm nay các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt đã có khả năng trả cổ tức và có kế hoạch trả cổ tức đều đặn hơn, ví dụ ACB, MBB, HDB, TPB, VIB, VPB.
Năm nay, nhìn chung các ngân hàng vẫn cần vốn cho tăng trưởng quy mô nên vẫn chia cổ tức bằng cổ phiếu, chỉ duy nhất VPB chỉ trả cổ tức bằng tiền mặt. Nếu tính về lợi suất cổ tức thì đến hiện tại có 2 ngân hàng có lợi suất cao nhất là VIB với 5,9% và VPB là 5,4%, cao hơn lãi suất tiền gửi của các ngân hàng lớn.
VPBankS đánh giá, việc chi trả cổ tức bằng tiền đều đặn có thể tăng định giá của các ngân hàng do đây là tín hiệu của sự ổn định tài chính và lợi nhuận. Hiệu ứng này cũng ảnh hưởng đến định giá khi sử dụng phương pháp định giá Thu nhập Thặng dư (RI).
“Chính sách cổ tức đều đặn là dấu hiệu của một ngân hàng ít rủi ro hơn và như vậy sẽ yêu cầu chi phí sử dụng vốn bình quân ít hơn các ngân hàng khác”, VPBankS nhận định.
Mặc dù cổ tức giảm lợi nhuận giữ lại, làm giảm vốn chủ sở hữu nhưng nâng được giá trị thu nhập thặng dư và như vậy nâng được định giá trên từng cổ phiếu khi chiết khấu về thời điểm hiện tại dù việc chi trả cổ tức đều có thể ảnh hưởng đến nguồn vốn cần thiết để tăng trưởng.
Có thể cán mốc mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 6,1%, tương đương 41% kế hoạch Chính phủ đề ra 15%. Các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao là các ngân hàng bán buôn như LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực phía nam như ACB, HDB.
VPBankS cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà công ty dự phóng năm nay là 14,83% có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam.
Hết 6 tháng, lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng đạt 148.171 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Chỉ có 13/27 ngân hàng đạt 50% trở lên trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024.
“Chúng tôi vẫn kỳ vọng lợi nhuận trước thuế toàn ngành Ngân hàng cuối năm vẫn đạt được mức dự phóng với các động lực thúc đẩy tín dụng từ FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản và tiêu dùng đi kèm nền lãi suất huy động vẫn ở mặt bằng thấp, hỗ trợ cho NIM”, VPBankS đề cập.
Về NIM, VPBankS cũng ghi nhận môi trường kinh doanh ngành Ngân hàng đã trở nên cạnh tranh hơn rất nhiều sau khi mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm và dẫn đến 20/27 ngân hàng giảm NIM 6 tháng so với cùng kỳ.
VPBankS vẫn kỳ vọng mức NIM toàn ngành về mức 3,75% ở cuối năm 2024, tương đương mức của quý III/2023. Đồng thời, kỳ vọng các ngân hàng quốc doanh sẽ tích cực hơn trong việc đẩy mạnh tín dụng bán lẻ do các ngân hàng này có thể mất thị phần nhanh hơn về tay các ngân hàng tư nhân nếu không tham gia kịp thời thị trường bán lẻ.
Báo cáo nêu, ROE toàn Ngành đang có xu hướng phục hồi nhẹ từ 16,8% quý I lên 16,9% trong quý II. ROA toàn ngành đi ngang ở ngưỡng 1,5% trong quý II. ROE và ROA cao ghi nhận ở các ngân hàng tư nhân lớn như TCB, MBB, ACB, HDB, LPB, VIB.
Ngoài ra, một số ngân hàng không có lợi thế cạnh tranh về quy mô lớn nhưng đầu tư khá hiệu quả và có tăng trưởng kết quả kinh doanh tốt trong giai đoạn vừa rồi cũng ghi nhận ROA, ROE trong Top 10 như MSB, NAB.
VPBankS cho rằng, năm 2024 có thể kỳ vọng ROE và ROA phục hồi với mức tăng lợi nhuận cao hơn so với năm trước và mức tăng vốn sẽ chậm lại so với các năm gần đây.