Định giá tài sản thương hiệu: Không thể coi nhẹ
Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2017 với chủ đề Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra sáng 4/12, các chuyên gia cho rằng, thương hiệu và định giá thương hiệu còn ít được quan tâm bởi các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp. Đây là sai lầm lớn trong chiến lược kinh doanh và cần phải khắc phục kịp thời.
Thương hiệu - “tài sản vô giá”
Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, thương hiệu là tài sản vô giá của doanh nghiệp, thậm chí với nhiều doanh nghiệp, tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất. Do vậy, việc định giá giá trị thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính hết sức quan trọng, góp phần giảm thiểu thất thoát trong quá trình cổ phần hóa và tránh cho doanh nghiệp thiệt thòi trong cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập…
Việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu, đặc biệt là định giá tài sản thương hiệu là nhu cầu thiết thực đồng thời là định hướng ưu tiên đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, việc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra khốc liệt hơn rất nhiều.
Giám đốc Công ty MiBrand, đại diện tại Việt Nam của Công ty định giá hàng đầu thế giới Brand Finance Lại Tiến Mạnh nhận định, hiện nay định giá thương hiệu tại các doanh nghiệp vẫn là khái niệm tương đối mới nên các công ty chưa biết nhiều đến khía cạnh này. Do đó, chúng ta đã bỏ lỡ khá nhiều thương hiệu nếu được đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại giá trị cao.
Đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Nhà nước, khi mua bán, sáp nhập, các nhà đầu tư không chịu trả những khoản phí cho thương hiệu sẽ trở thành những thất thoát rất lớn cho Nhà nước. Đơn cử như trường hợp của Vietnam Airlines vừa qua được mua và sáp nhập với nhà đầu tư Nhật Bản, theo tính toán của Brand Finance, thương vụ đó đáng lẽ nhà đầu tư Nhật Bản phải trả thêm 10 triệu USD nữa mới xứng đáng với giá trị của Vietnam Airlines tại thời điểm đó.
Nhìn vào thực trạng định giá thương hiệu tại Việt Nam hiện nay, Tổng Giám đốc AVM Vietnam, đồng sáng lập diễn đàn M&A Vietnam Đặng Xuân Minh cho biết, nguyên nhân của yếu kém này là do doanh nghiệp và bên mong muốn đầu tư hầu như đều chưa có nhiều kinh nghiệm và thường lãng quên “tài sản vô hình” là thương hiệu.
Bên cạnh đó, việc định giá cũng gặp nhiều khó khăn bởi hạn chế trong việc tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, các số liệu so sánh còn hạn chế, giao dịch phổ biến của việc sử dụng nhãn hiệu chưa thực sự sôi động, quy định pháp lý về định giá thương hiệu chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cụ thể khiến nhiều doanh nghiệp không biết hạch toán và định giá như thế nào cho phù hợp.
Định giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế
Để khắc phục tình trạng này, ông Minh kiến nghị Nhà nước cần xây dựng khung cơ sở pháp lý, hướng dẫn định giá thương hiệu và đấu giá minh bạch và bán theo lộ trình. Với các tổ chức định giá cần giữ vai trò tiên phong, đẩy mạnh dịch vụ định giá thương hiệu, các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và xác định giá trị thương hiệu, có kế hoạch cụ thể về mua bán và xác định mức giá hợp lý.
Cũng nhận thấy nhiều “lỗ hổng” trong các quy định pháp lý tại Việt Nam, Giám đốc Công ty MiBrand Lại Tiến Mạnh cho rằng cần có quy định cân đối và phân định rõ 2 nhóm tài sản hữu hình và vô hình mới khiến bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư mới chú ý hơn vào tài sản vô hình.
Trong Top 50 thương hiệu giá trị lớn nhất của Việt Nam được Brand Finance công bố có đến 11 thương hiệu mới lần đầu tiên xuất hiện trong Top 50 này, đồng nghĩa với việc 10 thương hiệu khác đã bị loại ra khỏi danh sách đó. Bài học ở đây là phải luôn chú ý gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển thương hiệu để giảm thiểu nguy cơ có thể tụt giảm vị trí thương hiệu.
Giám đốc Vùng châu Á - Thái Bình Dương Công ty Brand Finance Samir Dixit cho biết, doanh nghiệp Việt Nam trước đây chỉ tập trung chủ yếu vào việc thúc đẩy sản xuất bán hàng chứ không quan tâm đến thương hiệu, đây là một sai lầm lớn. Ông cho rằng các doanh nghiệp phải biết rõ được rằng thương hiệu của mình trị giá bao nhiêu, thì mới xác định chính xác chiến lược kinh doanh của mình.
Một điều quan trọng nữa là phải định giá theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, nếu không sẽ khó được chấp nhận bởi các công ty nước ngoài. Quản lý thương hiệu cũng là điều quan trọng để thúc đẩy việc định giá cổ phiếu, sáp nhập và mua bán cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Vì vậy, phương pháp tiếp cận quản lý thương hiệu cơ bản phải thay đổi bằng việc tập trung mạnh hơn vào đo lường giá trị kinh tế và sự quay trở lại của cổ đông mà thương hiệu có thể mang đến.
Tại hội thảo, Giám đốc Thương hiệu và Quan hệ công chúng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Nguyễn Việt Hà cũng đề cập, quản trị truyền thông hiệu quả sẽ góp phần làm gia tăng giá trị thương hiệu. Theo ông Hà, kênh truyền thông dẫn dắt dư luận sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu, đưa lượng thông tin tích cực bảo đảm tần suất trên “ngưỡng nhận thức”, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tối ưu hóa nội dung và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm tăng cường tiếp cận với độc giả ở mọi lứa tuổi, mọi khoảng cách địa lý.